21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2480892
998024
Càng nới lỏng càng phải cẩn thận tự đề phòng
cang-noi-long-cang-phai-can-than-tu-de-phong
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Càng nới lỏng càng phải cẩn thận tự đề phòng

Kể từ này 23/4, chúng ta đã dừng thực hiện lệnh cách ly xã hội toàn quốc. Quyết định này được đưa ra dựa trên tình hình diễn biến dịch bệnh covid 19 tại Việt Nam khi đến thời điểm ngày 23/4 là tròn một tuần chúng ta không ghi nhận ca nhiễm mới, 83% trong tổng số 268 bệnh nhân đã khỏi bệnh, không có ca tử vong.

Kể từ ngày 23/4, chúng ta đã dừng thực hiện lệnh cách ly xã hội toàn quốc. Quyết định này được đưa ra dựa trên tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam khi đến thời điểm ngày 23/4 là tròn một tuần chúng ta không ghi nhận ca nhiễm mới, 83% trong tổng số 268 bệnh nhân đã khỏi bệnh, không có ca tử vong. Đây là một kết quả rất đáng mừng và đã được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Việc dừng cách ly xã hội toàn quốc cũng dựa trên quan điểm phòng, chống dịch nhưng phải tạo điều kiện để thông thương hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, quyết định nới lỏng cách ly xã hội của Thủ tướng là để tạo điều kiện sản xuất kinh doanh chứ không phải vì đã hết nguy hiểm. Những ngày gần đây, dù chỉ có 2 ca bệnh mới và đến nay là ngày thứ 11, trong cộng đồng không có ca nhiễm mới nhưng vẫn có thể có mầm bệnh, có người mang virus trong cộng đồng, chúng ta vẫn còn những ca bệnh đang điều trị, thế giới vẫn đang có gần 3 triệu người nhiễm bệnh. Tốc độ gia tăng ca bệnh mới và số người tử vong trên thế giới dù được đánh giá là đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt song vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, thuốc đặc trị và vắc xin đều chưa có, virus có những biến ảo khó lường khi nhiều ca bệnh không có triệu chứng rõ ràng hay không biểu hiện bệnh, nhiều bệnh nhân dương tính trở lại sau khi đã được điều trị và cho kết quả âm tính nhiều lần trước đó. Điều này khiến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đang rất lo lắng về nguy cơ bùng phát làn sóng thứ hai đối với dịch Covd-19 như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Chính vì thế, chúng ta chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch và chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn. Thời điểm này, hoàn toàn vẫn chưa phải lúc ăn mừng và thoải mái tụ tập, đi lại như trước. Dạo một vòng qua các quán cà phê, trà chanh, ta bắt đầu thấy nhiều nhóm thanh niên tụ tập, không đeo khẩu trang nói chuyện rôm rả. Các quầy hàng và khách mua lại chen chúc nhau trong các khu chợ, công tác kiểm soát người ra vào chợ nhiều chỗ bị lơ là, tại các tuyến đường huyết mạch tình trạng ùn tắc đã xảy ra khi người dân đổ xô đi lại liên tỉnh sau thời gian dài bị hạn chế. Việc chúng ta chủ quan, quên đi các biện pháp phòng ngừa, di chuyển tự do, thoải mái, tụ tập đông người làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, thậm chí dịch bùng phát trở lại trên diện rộng. Đây sẽ là khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế của chúng ta và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Tại tỉnh Quảng Ninh, các hoạt động kinh tế - xã hội cơ bản được cho phép vận hành trở lại với điều kiện phải đảm bảo giãn cách và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, do có sân bay vẫn đang nhận nhiệm vụ đón người dân từ vùng dịch nước ngoài trở về, có cảng biển, đường biên giới cùng nhiều đường mòn lối mở sang Trung Quốc cũng như nhiều điểm tham quan du lịch hút khách nên tỉnh cũng rất thận trọng khi tiếp tục dừng một số hoạt động xã hội cho đến hết ngày 3/5 cho dù đã được xếp vào nhóm các tỉnh thành có nguy cơ thấp, trong đó có hoạt động đón khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn và hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh từ Quảng Ninh đi các địa phương khác và ngược lại. Điều này là nhằm tránh nguy cơ gia tăng quá lớn lượng người ra vào tỉnh, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 dẫn đến khó kiểm soát nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Trước diễn biến lâu dài, âm ỉ, khó lường của dịch bệnh, nhưng cũng không thể tiếp tục hạn chế các hoạt động phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống, các biện pháp rất cần được người dân đồng thuận thực hiện. Việc tuân thủ các khuyến cáo như có dấu hiệu ốm, sốt thì nên ở nhà, không đến cơ quan, công sở, đơn vị, trường học; bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động cộng đồng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người… chính là cách để có thể sống chung với dịch bệnh an toàn. Chúng ta lạc quan trước các tín hiệu vui song vẫn cần phải cảnh giác, duy trì các thói quen phòng ngừa như những ngày cao điểm vừa qua. Thậm chí, càng nới lỏng, càng phải cẩn thận tự đề phòng.

Quỳnh Tâm

Cùng chuyên mục