Liên tiếp trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của TP Hạ Long và của tỉnh đã phải tiến hành xử lý các trường hợp tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long có hành vi “chặt chém” khách du lịch khi họ thuê tàu tham quan Vịnh. Mới đây nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 1-6, đối với tàu Hải Âu 06 (BKS QN-5356). Theo phản ánh của khách du lịch tên Phạm Thị Huệ, ngày 1-6, chị và gia đình gồm 17 người đã thuê tàu Hải Âu 06 tham quan Vịnh Hạ Long. Mặc dù trước khi tàu khởi hành đoàn du khách đã có thoả thuận với nhà tàu về giá cả dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi kết thúc hành trình tham quan nhà tàu đã yêu cầu đoàn khách phải trả thêm 300.000 đồng phí phục vụ và lấy thêm mỗi món ăn 30.000 đồng…
Trước thông tin phản ánh của du khách, UBND TP Hạ Long đã giao các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra làm rõ sự việc. Kết quả khẳng định nội dung phản ánh của du khách là có thật, việc thu thêm tiền của tàu Hải Âu 06 là sai. Cùng với đó lực lượng chức năng còn phát hiện một số sai phạm khác của các tàu thuộc đội tàu Hải Âu. Cụ thể là các sai phạm không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, dụng cụ cứu đắm, dụng cụ chữa cháy…
Với những sai phạm này, theo đề nghị của UBND TP Hạ Long, Cảng vụ Đường thuỷ nội địa Quảng Ninh đã quyết định từ chối cấp phép cho tàu du lịch vi phạm hoạt động trên Vịnh Hạ Long, từ ngày 25-6 đến 14-7-2016, đối với 4 tàu du lịch Hải Âu do ông Trần Văn Sô làm chủ…
Việc giải quyết, xử lý hành vi vi phạm đối với đội tàu du lịch Hải Âu của UBND TP Hạ Long theo ý kiến phản ánh của du khách như vậy là rất kịp thời, khẩn trương. Điều này chắc chắn sẽ tạo được niềm tin của du khách. Tuy vậy, mức độ, hình thức xử phạt như thế có lẽ vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, giáo dục chung. Bởi lẽ, cách đây chưa lâu, vào thời điểm đầu tháng 4-2016, cũng với hành vi sai phạm gần như tương tự, tàu Minh Hương 58 cũng chỉ bị phạt hành chính 1,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của tàu một thời gian ngắn. Tiếp theo đó, vào ngày 15-5, qua thông tin phản ánh của du khách về việc tàu du lịch Hồng Long, BKS QN-7038, có biểu hiện tăng giá tuỳ tiện dịch vụ ăn trên tàu, mặc dù trước đó đã có sự thoả thuận về giá, cơ quan chức năng cũng đã quyết định tạm dừng hoạt động của tàu để điều tra, xác minh… Những “tấm gương” như thế chắc chắn trong “làng” tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long phải nắm rõ hơn ai hết. Vậy mà sau đó vẫn có những tàu vi phạm. Điều này chỉ có thể lý giải là do mức độ xử phạt còn quá nhẹ, chưa nghiêm khắc nên các nhà tàu bất chấp quy định, tiếp tục vi phạm, tạo ra hình ảnh, ấn tượng không đẹp về du lịch Hạ Long - Quảng Ninh…
Hiện nay trên Vịnh Hạ Long có hơn 500 tàu du lịch hoạt động đưa đón khách tham quan, ngắm cảnh và nghỉ dưỡng trên Vịnh. Với số lượng tàu lớn như vậy (thực tế là đang quá tải) nếu công tác quản lý không chặt chẽ, sát sao, nghiêm khắc thì rất dễ nảy sinh những tiêu cực, có những hành vi vi phạm quy chế, quy định. Tình trạng “chặt chém” du khách trong thời gian gần đây của một số tàu du lịch là minh chứng cụ thể cho điều này…
Bởi vậy, để lấy lại niềm tin và tạo dựng hình ảnh tốt đẹp trong lòng du khách về một điểm đến thân thiện, mến khách, văn minh, TP Hạ Long và các cơ quan chức năng liên quan cần phải tăng cường và có biện pháp quản lý các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long chặt chẽ, hiệu quả hơn. Cụ thể là phải áp dụng các hình thức, mức xử phạt nghiêm khắc hơn, có tính giáo dục, răn đe cao. Với các trường hợp tái phạm, cố tình vi phạm cần phải có chế tài xử lý theo hướng tăng nặng mức xử phạt, hoặc áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng “chặt chém”, nâng giá tuỳ tiện đối với du khách khi họ tham quan, du lịch Vịnh Hạ Long…
Thanh Tùng