Từ đầu tháng 3-2017, ở nhiều hộ nuôi hàu trên địa bàn huyện Tiên Yên xuất hiện tình trạng hàu bị chết rải rác. Tuy nhiên, từ ngày 10 đến 14-4, tỷ lệ hàu chết tăng cao đột biến, lên đến 70-80% ở nhiều bè nuôi. Điều đáng nói, số hàu bị chết này đang ở giai đoạn sắp cho thu hoạch (khoảng 5.460 tấn), nên đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người nuôi (ước thiệt hại khoảng 82 tỷ đồng) và ảnh hưởng đến tâm lý, gây hoang mang cho những hộ nuôi trồng hải sản trên địa bàn...
Và không chỉ xảy ra ở Tiên Yên, tại một số khu vực ở TX Quảng Yên, cửa sông thuộc huyện Vân Đồn (giáp huyện Tiên Yên) và một số điểm ở TP Móng Cái cũng xảy ra hiện tượng hàu chết hàng loạt, với tỷ lệ dao động trong khoảng từ 25 đến 80%...
Ngay sau khi có thông tin hàu chết hàng loạt ở các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực tiếp xuống hiện trường nắm bắt tình hình. Đồng thời đề nghị Tổng cục Thuỷ sản, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thuỷ sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I), Cơ quan Thú y vùng II, cử cán bộ, bộ phận chuyên môn hỗ trợ tìm hiểu, xác định rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng hàu chết, để qua đó ổn định việc sản xuất và tránh gây tâm lý hoang mang cho người nuôi. Đặc biệt trong đó có các hộ nuôi tôm lo ngại sẽ ảnh hưởng tới việc nuôi tôm thẻ vụ xuân - hè...
Qua kết quả quan trắc, phân tích cho thấy, các thông số về môi trường đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép đối với môi trường nuôi thuỷ sản nước mặn, lợ nói chung và một số chỉ tiêu có giá trị nằm trong khoảng giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam. Qua đó có thể khẳng định yếu tố môi trường không tác động bất lợi tới thuỷ sản nuôi trồng, ngoại trừ độ mặn tương đối cao (29-30 phần nghìn) - đạt ngưỡng phù hợp giới hạn, mặc dù ở thời điểm lấy mẫu mới có mưa lớn xảy ra. Riêng về kết quả xét nghiệm bệnh học của Cơ quan Thú y vùng II, phát hiện thấy 3/3 mẫu dương tính với vi khuẩn V.parahaemolyticus và V.vulnificus...
Trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân gây hiện tượng hàu chết hàng loạt ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, để giảm thiệt hại và tránh ảnh hưởng, lây lan đến các vùng nuôi thuỷ sản khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một mặt đề nghị các địa phương có hiện tượng hàu chết nhanh chóng lập biên bản xác định mức độ thiệt hại để có cơ sở xử lý, giải quyết sau này, mặt khác khuyến cáo các hộ nuôi đưa toàn bộ các dây hàu bị chết lên bờ, rắc vôi khử trùng và ngưng thả nuôi mới...
Nuôi trồng thuỷ sản nói chung và hàu nói riêng là thế mạnh trong phát triển kinh tế của nhiều địa phương ven biển của tỉnh. Những đối tượng nuôi như hàu, tu hài, tôm, cá... đã góp phần không nhỏ vào việc tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhiều người dân và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, nuôi trồng thuỷ sản cũng là nghề chứa đựng nhiều rủi ro, thất bát. Điển hình, như tình trạng tu hài, tôm nuôi mắc bệnh dẫn đến chết hàng loạt ở Vân Đồn, Móng Cái, Tiên Yên trong những năm vừa qua, đã khiến nhiều hộ nuôi điêu đứng, trắng tay, nợ nần. Nhà nước cũng đã phải chi ra một khoản kinh phí không nhỏ để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và khôi phục, ổn định sản xuất...
Do vậy, từ hiện tượng hàu chết hàng loạt ở một số địa phương mới đây, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, các ngành chức năng cần sớm phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xác định chính xác, cụ thể nguyên nhân, từ đó có hướng khắc phục và phòng tránh hiệu quả. Có như vậy, người dân mới yên tâm phát triển và mở rộng sản xuất. Cùng với đó cũng cần khẩn trương điều tra, thống kê sự thiệt hại của các hộ dân, nhất là với các hộ bị thiệt hại nặng nề, các hộ diện nghèo, cận nghèo để có cơ chế, biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống...
Thanh Tùng