Sở Du lịch vừa phối hợp với Chi hội Tàu du lịch và các chủ tàu, thuyền trưởng tàu du lịch ký cam kết thực hiện văn minh trong hoạt động phục vụ khách trên tàu du lịch. Đây là việc làm hết sức cần thiết (tuy có muộn) nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ du khách của đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên, nhân viên làm việc trên các tàu du lịch hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh Quảng Ninh đang xây dựng TP Hạ Long là thành phố du lịch theo chủ đề công tác năm của tỉnh…
Nội dung cam kết quy định rõ trách nhiệm thực hiện của từng bên, từng đối tượng. Cụ thể, Sở Du lịch có nhiệm vụ thực hiện tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long tới các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên và nhân viên trên tàu; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, tập huấn nâng cao năng lực cho chủ tàu, thuyền viên. Cùng với đó là giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý tàu du lịch thuộc trách nhiệm của Sở Du lịch…
Đối với chủ tàu, thuyền trưởng phải gương mẫu thực hiện và yêu cầu thuyền viên và nhân viên phục vụ trên tàu du lịch mặc đồng phục, đeo thẻ chức danh và thẻ nhân viên khi làm việc; có thái độ văn minh, lịch sự, thân thiện, không phân biệt đối xử với du khách; biết lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu và sẵn sàng giải quyết kịp thời yêu cầu của khách; không lợi dụng khách để trục lợi bất chính; không nâng giá, ép giá, bắt chẹt du khách; không hút thuốc, uống rượu, bia khi đang làm việc; có ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa các rủi ro khác…
Theo số liệu của ngành chức năng, hiện tại tổng số tàu du lịch được phép hoạt động trên Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long là 533 chiếc, trong đó có 202 tàu lưu trú (nghỉ đêm trên Vịnh) và 331 tàu tham quan theo tuyến. Tổng số thuyền trưởng, máy trưởng làm việc trên tàu du lịch hiện nay là 1.058 người, số thuỷ thủ, nhân viên là 1.660 người. Với mật độ tàu du lịch đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long như hiện nay, theo nhận định của các chuyên gia là đã quá tải, gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, rủi ro, không đảm bảo an toàn…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý các hoạt động trên Vịnh Hạ Long, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của tỉnh về đổi mới mô hình quản lý, từ cuối năm 2015 chức năng quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long đã được bàn giao về cho UBND TP Hạ Long. Có thể nói, từ đó đến nay công tác quản lý Vịnh Hạ Long đã có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động trên Vịnh đã đi vào nền nếp hơn, trật tự kỷ cương được tăng cường; các vụ việc, hành vi vi phạm quy định, pháp luật được phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết hơn; đặc biệt thu ngân sách từ các hoạt động, dịch vụ trên Vịnh tăng đột biến so với trước đó (tăng hơn 33%)…
Tuy nhiên, do còn những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý tàu du lịch trên Vịnh, nên thời gian qua tình trạng vi phạm các quy định vẫn còn xảy ra, như nạn đeo bám theo tàu để bán hàng rong, ăn xin; “chặt chém”, ép giá khi khách mua hàng; đi sai tuyến - điểm, chở quá tải; không niêm yết giá, bán hàng không theo giá niêm yết; việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa nghiêm túc. Đặc biệt còn để xảy ra tình trạng cháy tàu, chìm tàu do lỗi chủ quan, gây lo ngại cho du khách và ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của du lịch Hạ Long…
Bởi vậy, việc ký cam kết thực hiện văn minh trên tàu du lịch, kỳ vọng sẽ tạo ra một hình ảnh mới, thân thiện, mến khách, an toàn đối với du khách khi đến với Hạ Long - Quảng Ninh. Mặc dù vậy, để thực hiện tốt những nội dung, điều khoản trong bản cam kết, thiết nghĩ các cơ quan, tổ chức liên quan cũng cần phải ban hành các chế tài đi kèm để giải quyết, xử lý các trường hợp không thực hiện, hoặc thực hiện không nghiêm túc những nội dung đã cam kết. Có như vậy việc cam kết mới mang lại hiệu quả đích thực và có tính bền vững cao…
Thanh Tùng