21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2362858
742473
Cải cách bộ máy hành chính: "Nóng" từ nghị trường
cai-cach-bo-may-hanh-chinh-nong-tu-nghi-truong
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Cải cách bộ máy hành chính: "Nóng" từ nghị trường

Ngày 30/10, Quốc hội dành 1 ngày làm việc để thảo luận chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. 

Ngày 30/10, Quốc hội dành 1 ngày làm việc để thảo luận chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đây là mối quan tâm lớn của toàn thể cử tri cả nước trong thời gian qua và 51 vị đại biểu ấn nút đăng đàn thảo luận về vấn đề này ngay đầu phiên thảo luận cho thấy sự cấp bách của việc cải cách bộ máy hành chính đang quá cồng kềnh, chồng chéo hiện nay.

Hầu hết các đại biểu đều có chung nhận định những tồn tại, hạn chế trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay, là sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chồng chéo, trùng lắp. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; chính sách tiền lương còn bất cập.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 8 triệu người ăn lương nên hằng năm ngân sách phải chi lượng tiền lớn để trả lương nhưng thực tế cho thấy, hiệu quả làm việc của số đông người hưởng lương ngân sách chưa cao. Tình trạng “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức đã gây sự bức xúc trong dư luận nhân dân thời gian qua.

Để có bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, hiệu lực, hiệu quả việc sắp xếp lại các cơ quan là điều bắt buộc phải làm trong thời gian tới, dù rằng những vấn đề liên quan đến con người, vị trí công tác rất khó, nhạy cảm nhưng các đại biểu Quốc hội khi đăng đàn đều nêu ý kiến không thể để cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan hành chính nhiều như hiện nay.

Thực tế tại Quảng Ninh cho thấy, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án 25 về tinh giản bộ máy, biên chế, tỉnh đã giảm được 4 đơn vị sự nghiệp; 107 phòng, ban; 686 biên chế công chức, viên chức. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, quản lý và sáp nhập các cơ quan đảng, chính quyền có chung chức năng, nhiệm vụ. Không chỉ bộ máy được tinh gọn, bớt đầu mối, giảm sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ mà nhờ tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy nên tỉnh đã đánh giá được khá chính xác những kết quả thực hiện của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy; lựa chọn được cán bộ tốt, loại bỏ được cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; ngân sách chi cho hoạt động của bộ máy được tiết giảm, phục vụ cho các mục tiêu chi đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân… Cái được trong tinh giản bộ máy, biên chế của Quảng Ninh không những nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy mà còn góp phần phát hiện, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Từ tinh giản bộ máy, biên chế, nhất thể hóa chức danh, Quảng Ninh đã thực hiện việc hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng trên nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, như: Trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch uỷ ban MTTQ ở 10 địa phương; chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra ở 9 địa phương; trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ ở 10 địa phương; trưởng (phó) ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 13 địa phương... Mặc dù, đến nay chưa có đánh giá tổng kết chính thức nhưng việc nhất thể hóa các chức danh đã thực sự mang lại cho Quảng Ninh những hiệu quả nhìn thấy trên tất cả các lĩnh vực: Xây dựng đảng, kinh tế, văn hóa, xã hội, nội bộ địa phương đoàn kết thống nhất. Qua đó, chất lượng cán bộ được nâng cao, năng lực công tác của Đảng và chính quyền tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ hơn.

Vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết Hội nghị 6 (khóa XII) nêu mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Như vậy, để thực hiện tốt việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, các cấp ủy cần có quyết tâm chính trị, có giải pháp đúng, phù hợp điều kiện thực tiễn và kiên trì với giải pháp đó; đồng thời cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Có vậy, mới thực hiện tốt một trong những giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4, 6 (khóa XII) đã đề ra.

Ngọc Lan

Cùng chuyên mục