Còn nhớ cách đây khoảng một năm, nhiều tổ chức, người dân trong cả nước phải cùng vào cuộc “giải cứu” đàn lợn thịt. Vào thời điểm ấy, giá thu mua lợn hơi chỉ vào khoảng 20.000 đến 24.000 đồng/kg, thế nhưng cũng không có thương lái đến mua. Với giá bán này, người chăn nuôi thua lỗ khoảng 1 triệu đồng/con lợn bán ra. Nhờ sự vào cuộc của người dân nên người chăn nuôi đã bớt đi phần nào thua lỗ.
Khi ấy, nhiều người cho rằng, ngành Nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng phải “giải cứu” chính tầm nhìn của mình. Để nông sản khi được mùa lại mất giá, không bán được thì trách nhiệm không nhỏ do các cơ quan quản lý đã quá chậm trễ trong việc lập các quy hoạch, cảnh báo về quy mô chăn nuôi, trồng trọt, sự biến động thị trường... Trong khi đó, người nông dân thì cứ thấy giá cả tăng cao là vay vốn mở rộng sản xuất, tăng đàn gia súc, gia cầm, mà không biết tương lai có tiêu thụ được sản phẩm hay không, giá cả thế nào, thật như “đánh bạc với trời”.
![]() |
Vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) được các thương lái thu mua. |
Tưởng rằng câu chuyện về đàn lợn thịt gần một năm trước là bài học đắt giá cho người làm nông nghiệp, chăn nuôi của các địa phương, ấy vậy mà thời gian qua câu chuyện này lại “nóng” khi giá thịt lợn hơi “đột nhiên” tăng mạnh từ 40 – 50 ngàn đồng/kg, trong khi đó dự báo tổng đàn thịt khó có thể đáp ứng được thị trường.
Từ “sức nóng” của thị trường thịt lợn hơi, những ngày qua, người dân các địa phương khu vực giáp biên giới đã mua lợn thịt, lợn giống, thịt lợn từ Trung Quốc mang về Việt Nam tiêu thụ. Cũng không hiểu vì lý do gì mà thịt lợn ở biên giới Trung Quốc có giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, nên khi mang về nội địa bán sẽ kiếm được chênh lệch rất cao.
Thế nhưng, điều đáng nói ở đây không phải là lợi nhuận, mà chính là vấn đề không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nguy cơ xâm nhập, bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các địa phương.
Một vấn đề nữa là khi giá thịt lợn hơi tăng mạnh (có thể là tăng ảo) khiến người nông dân tăng đầu tư đàn lợn nuôi một cách tự phát, không có sự định hướng, quy hoạch cụ thể, điều này đồng nghĩa với việc một thời gian sau chúng ta lại phải chung tay “giải cứu” đàn lợn thịt.
Không chỉ đàn lợn thịt khiến người nông dân lao đao, mà thời gian qua, câu chuyện về dưa hấu của tỉnh Quảng Nam rẻ như cho, vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) rớt giá, không bán được, cũng được nhiều người quan tâm.
Nhiều hộ dân trồng dưa hấu ở Quảng Nam điêu đứng vì giá dưa bất ngờ giảm thấp, làm người dân thua lỗ nặng. Một cân dưa chỉ bán được với giá 1.000-1.300 đồng, trung bình 1 sào dưa hấu người dân lỗ hơn 500 ngàn đồng. Trong khi đó, vải chín sớm cũng khó tiêu thụ không kém do thị trường bão hòa. Các địa phương như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Đắk Nông đều có vải chín sớm với diện tích lớn và đạt sản lượng cao nên việc tiêu thụ rất khó khăn, giá rẻ.
Vải chín sớm còn khó khăn trong tiêu thụ là vậy, trong khi vào khoảng từ ngày 15 đến 25/6 tới đây, 948ha vải thiều của TX Đông Triều, cùng nhiều diện tích vải của các địa phương khác vào thời kỳ chín rộ. Chỉ tính riêng sản lượng của Đông Triều ước đạt trên 11.000 tấn quả và dự báo tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá rẻ, bởi vào thời điểm này 1 kg vải thiều chỉ dao động từ 8.000 -10.000 đồng/kg.
Để “giải cứu” vải thiều cho người nông dân, TX Đông Triều cũng đã xúc tiến tiêu thụ sản phẩm này. Theo đó, một số đơn vị đã ký cam kết thu mua vải Đông Triều, trong đó BigC Quảng Ninh cam kết phân phối sản lượng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP hiện có với giá từ 7.000-10.000 đồng/kg, đồng thời tạo điều kiện về sân bãi, băng zôn quảng bá để người trồng vải Đông Triều bày bán sản phẩm của mình.
Có thể thấy, đây chỉ là biện pháp tình thế để giúp người nông dân khỏi lao đao khi sản phẩm mình làm ra không tiêu thụ được hoặc có bán được thì giá cũng rất rẻ. Chính vì vậy, để không còn phải “giải cứu” nông sản thì vấn đề quy hoạch, định hướng về quy mô trồng trọt, chăn nuôi, nghiên cứu biến động thị trường cần phải được làm trước tiên và điều này thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, người nông dân cần được tham gia vào chuỗi giá trị, ký kết thoả thuận rõ ràng với bên bao tiêu sản phẩm từ đó chủ động về kế hoạch, quy mô chăn nuôi, trồng trọt của mình, tránh tình trạng “đánh bạc với trời”.
Thái Bình