Câu chuyện về hàng trăm gia đình nghèo, cận nghèo ở các địa phương Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên… tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng đó là thành quả của sự vào cuộc tích cực, kiên trì, quyết liệt, sâu sát trong vận động, tuyên truyền và các cơ chế khuyến khích thoát nghèo của cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội…
Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế tại địa phương thì ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành thì điều quan trọng nhất là người nghèo đã biết “tự ái với chính mình, với con cháu của họ vì cái nghèo cứ đeo đẳng”. Trong số những hộ nghèo có rất nhiều gia đình trẻ, họ có sức khỏe, có đất, có rừng, ruộng, vườn…, ấy vậy mà vẫn cứ nghèo. Giờ đây, họ biết nếu không vươn lên thì các thế hệ sau lại vẫn cứ mãi nghèo. Như vậy là “tư tưởng thoát nghèo” đã thông, người nghèo đã biết tự ái vì nghèo. Mà một khi tư tưởng đã thông thì chắc chắn mọi việc sẽ “thuận buồm, xuôi gió”, chương trình “xóa nghèo” ắt thành công. Và thời gian qua đã có không ít hộ vươn lên thoát nghèo từ chính nghị lực, sự quyết tâm, chăm chỉ lao động của mình.
Ấy là câu chuyện “tự ái vì nghèo” của những người dân vùng sâu, vùng xa, khiến không ít người cảm kích. Thế nhưng, ngay ở đô thị văn minh cũng có những câu chuyện mà nếu người lớn biết nêu gương và “biết tự ái với chính mình” thì có thể làm thay đổi ý thức, hành động của không ít người, đặc biệt là trẻ thơ. Đơn giản như câu chuyện về cô bé cờ đỏ của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Hạ Long). Khi phát hiện một phụ huynh đưa con đến trường bằng xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, với nhiệm vụ của mình, cô bé tiến đến, nhắc nhở bạn học sinh và đề nghị phụ huynh khi đưa con đi học bằng xe máy cần phải đội mũ bảo hiểm vì đó là quy định chung. Thế nhưng, điều đáng tiếc là thay vì tiếp thu những ý kiến của cô bé cờ đỏ đề nghị, người phụ huynh nọ lại viện cớ “nhà ở gần, đi một đoạn thì cần gì phải đội mũ bảo hiểm” và tỏ thái độ khá khó chịu. Câu chuyện tưởng chừng là nhỏ, thế nhưng sự thiếu gương mẫu của người lớn đã tác động không nhỏ đến ý thức, hành động của trẻ thơ, đặc biệt là chính con cái họ. Và trên thực tế, việc học sinh vi phạm luật giao thông có sự tác động từ những hành động thiếu ý thức của người lớn như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều đường, phóng nhanh, vượt ẩu hay không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…
Hay như câu chuyện về “thói quen cố hữu” của người dân Hạ Long khi để rác thải bừa bãi trên vỉa hè. Không biết “thói quen” này có từ bao giờ, thế nhưng từ thế hệ trước đến thế hệ sau cái “tật xấu” vẫn tồn tại. Có lẽ “thói quen” ấy cũng xuất phát chính từ người lớn, khi bố mẹ làm, con cái học theo và cứ thế nó tồn tại cho đến bây giờ. Giờ đây, Hạ Long đang nỗ lực xây dựng trở thành thành phố du lịch thông minh sáng, xanh, sạch, đẹp, là “nơi cần đến và nơi đáng sống” của các nhà đầu tư, du khách thì những “thói quen” xấu như việc để rác trên vỉa hè, xả rác bừa bãi cần phải được thay đổi ngay từ bây giờ. Và để làm được điều đó, thì tính gương mẫu của người lớn, sự vào cuộc của mỗi gia đình là vô cùng quan trọng để hình thành một thói quen tốt cho thế hệ mai sau.
Rất nhiều ý thức, hành động, việc làm, thói quen của trẻ thơ được xuất phát từ chính những người thân quen, người lớn sống xung quanh chúng. Trẻ bắt chước, học theo từ những điều dù là nhỏ nhất. Chính vì vậy, mỗi người lớn chúng ta hãy gương mẫu, biết “tự ái với chính mình” để sống tốt hơn, làm nhiều việc tử tế hơn, tuân thủ pháp luật từ những việc làm nhỏ để trẻ học và làm theo.
Thái Bình