Chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên nỗi đau xé lòng mới xảy ra gần đây tại thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi. Đó là vụ 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà chết đuối tại sông Trà Khúc. Chẳng ai có thể nói trước được, người thân của các em mất bao nhiêu thời gian thì sẽ nguôi ngoai sự mất mát này! Vậy là, dù mới chỉ chớm hè, chúng ta đã thực sự bị "rúng động" về tai nạn đuối nước. Ngay trong ngày 15-4 (ngày xảy ra vụ tai nạn đuối nước nói trên ở Quảng Ngãi) Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 641/CĐ-TTg yêu cầu về việc chủ động phòng, ngừa tai nạn đuối nước của học sinh trong dịp hè.
Vậy ở Quảng Ninh, thực trạng về công tác này ra sao?. Chắc chắn, đó là câu hỏi không chỉ dành được sự quan tâm của cơ quan chức năng cũng như các tổ chức đoàn thể. Chúng ta đều biết, những năm gần đây, hầu hết các gia đình ở khu vực đô thị đều đã có ý thức trang bị cho con kỹ năng phòng, ngừa tai nạn đuối nước bằng việc đăng ký để các cháu đi học bơi. Nhìn từ TP Hạ Long - nơi thủ phủ của tỉnh, hè năm nào các điểm dạy bơi ở Cung văn hoá thiếu nhi hay Khu văn hoá - thể thao của Công ty Than Núi Béo luôn trong tình trạng dày đặc các lớp không chỉ của trẻ em. Mới đây nhất, ở TX Quảng Yên cũng vừa khánh thành 1 công trình bể bơi hải quân thuộc quản lý của Lữ đoàn 147. Với kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng và nhiều hạng mục, bể bơi này được đánh giá là hiện đại; đây cũng sẽ là một điểm học bơi bài bản, đáp ứng nhu cầu của những gia đình có trẻ em.
Thế nhưng, có một thực tế mà chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, để tìm một điểm học bơi hoặc luyện tập môn bơi miễn phí dành cho đối tượng trẻ em thì thật khó. Có lẽ, hiện nay trong toàn tỉnh, hình như chỉ duy nhất TX Đông Triều duy trì thực hiện được việc này do có bể bơi được đầu tư từ nhiều năm nay từ nguồn ngân sách. Theo đó, những trẻ em đăng ký tham gia lớp năng khiếu hè do thị xã mở sẽ được áp dụng hình thức này. Vậy, có thể đầu tư những bể bơi miễn phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho đối tượng là trẻ em được không? Sẽ có nhiều phương án được đưa ra, nhưng nhìn ở góc độ xã hội chúng ta đều thấy là rất cần thiết bởi các lý do sau.
Thứ nhất, việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em là không thể thiếu và trong thực tế không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đóng tiền trăm cho con đi học một khoá bơi. Thứ hai, khi các cháu đã có kỹ thuật bơi cơ bản thì vẫn cần phải rèn luyện vừa để không quên bài đồng thời là nâng cao sức khoẻ bản thân. Vì nếu sau khi học bơi xong mà không thường xuyên xuống bể thì cũng "phí tiền, uổng công". Nếu như có ai đó nêu ý kiến hãy xuống biển thì thật khó đảm bảo an toàn khi không có người lớn đi kèm.
Mới đây nhất, ngày 17-4, UBND tỉnh có công văn số 2103/UBND-VX1 về việc tăng cường kiểm tra, phòng ngừa tai nạn đuối nước trong mùa hè và mùa mưa bão. Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được giao chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi lội cho đối tượng trẻ em. Theo tìm hiểu được biết, hiện nay, mỗi năm, từ điều phối của ngành Lao động, trong toàn tỉnh tổ chức được 30 lớp học bơi cho trẻ em tại cộng đồng thông qua việc rót kinh phí về để các địa phương triển khai. Còn với ngành Giáo dục tuy từ năm 2012 đã có đề án dạy bơi trong các trường học nhưng lại bất cập vì thiếu cơ sở vật chất cho nên đề án vẫn là đề án.
Vậy, trong lúc câu chuyện dạy bơi và luyện tập môn bơi miễn phí hoặc hỗ trợ một phần cho trẻ em chưa có giải đáp cụ thể thì nên chăng, những địa phương hiện đang có bể bơi được đầu tư dưới nhiều hình thức cần kết nối với chủ cơ sở để có được chính sách hiệu quả đồng thời cũng là thực hiện một trong những nhiệm vụ xã hội.
Ngọc Lê