Một sản phẩm làm ra dù lớn hay bé, muốn bán được đến tay người tiêu dùng thì phải quảng bá, giới thiệu tính năng, hiệu quả sử dụng của nó. Tương tự, một danh thắng, điểm đến muốn thu hút khách, thì phải quảng bá...
Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đang ngày một phát triển. Tại hội thảo Xu hướng phát triển du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 20/8 vừa qua tại Hà Nội, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất. Nếu năm 2015, Việt Nam mới đón được 8 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2018 đã đón 15,5 triệu lượt. Như vậy, chỉ trong 3 năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gần gấp đôi. Mục tiêu năm 2019, Việt Nam dự định sẽ đón từ 17,5 – 18 triệu lượt khách.
Có được kết quả đó, ngoài các yếu tố bền vững như sản phẩm, dịch vụ, môi trường kinh doanh, một trong những khâu quan trọng ngành du lịch Việt Nam những năm qua rất coi trọng đó là công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, công tác quảng bá du lịch của Việt Nam dù đã được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh nhưng vẫn còn thiếu tầm chiến lược, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch Việt Nam, thua kém các quốc gia trong khu vực. Nguyên nhân thì có rất nhiều.
Trong khi tìm ra những chiến lược, giải pháp quảng bá du lịch lâu dài, hiệu quả, các chuyên gia cho rằng quảng bá du lịch không chỉ có trách nhiệm của các cơ quan quản lý, hãng lữ hành mà mỗi người Việt Nam đều có thể là sứ giả du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam bằng chính nền tảng văn hóa và ứng xử văn minh, lịch thiệp.
Là một trong các trọng điểm du lịch của Việt Nam, những năm qua, tỉnh đã có nhiều quan tâm chỉ đạo xây dựng văn hoá, văn minh trong ứng xử, xây dựng môi trường văn hoá trong du lịch. Chương trình “Nụ cười Hạ Long” đã góp phần truyền tải rộng rãi thông điệp ứng xử văn hoá, văn minh đến nhiều người dân, du khách. Những hành vi nhặt được tiền rơi, bỏ quên trả lại du khách của người dân Cô Tô; hỗ trợ du khách nước ngoài bị “chặt chém”, “bỏ rơi” của một số nhà tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã đem lại những nhận xét, góc nhìn thiện cảm, yêu mến của du khách đối với người Quảng Ninh nói riêng, ngành du lịch Quảng Ninh nói chung.
Các địa phương như TP Hạ Long, huyện Tiên Yên đã và đang nỗ lực xây dựng con người văn hoá với những thông điệp “Người Hạ Long nói lời hay, cử chỉ đẹp”, “Người Tiên Yên nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”. Năm 2018, Tỉnh uỷ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, trong đó đặt ra các mục tiêu về xây dựng con người Quảng Ninh với những nét văn hoá đặc trưng "Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện".
Nghị quyết số 11 và những giải pháp trên của các địa phương là bước đi cần thiết và ý nghĩa nhằm xây dựng con người Quảng Ninh mới mà mục tiêu không gì ngoài xây dựng thương hiệu về con người, vùng đất Quảng Ninh, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển.
Đại Dương