Thời gian qua, vấn đề bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em được toàn xã hội quan tâm, nhiều vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em đã gây bức xúc trong dư luận.
Chính vì vậy, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV ngày 5/6, một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội trao đổi nhiều, đó là bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.
![]() |
Bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, gia đình hay một cơ quan, đoàn thể, tổ chức nào, mà đó là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương liên quan và cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm, quan trọng. |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em mỗi năm, trong đó 84% trẻ bị xâm hại tình dục. Tình trạng này ngày càng gia tăng gây bức xúc lớn trong xã hội. Khi tình trạng xâm hại tình dục gia tăng, Thủ tướng đã có Chỉ thị 18 phân cấp từng ngành, từng địa phương trong công tác quản lý. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ LĐ,TB&XH đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó có tuyên truyền, thành lập đường dây nóng 111, xử lý nghiêm một số vụ việc. Ngoài ra, bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc xử lý các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em”.
Bộ trưởng cho biết thêm: “Tình trạng gần đây xuất hiện nhiều vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp gây bức xúc xã hội, sắp tới Bộ tiếp tục rà soát lại văn bản pháp luật, đồng thời tổ chức hiệp đồng đề cao phối hợp các bộ, ngành, địa phương, giữa gia đình và xã hội trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em”.
Giải trình trước Quốc hội về tình trạng xâm hại trẻ em, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng đã khởi tố hơn 701 vụ, truy tố 753 vụ, 805 bị can, đưa ra xét xử gần 648 vụ và 690 bị can liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em. Và để giải quyết thực trạng này cần phải thực hiện đồng bộ từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Trước mắt cần hoàn thiện hệ thống luật pháp đảm bảo yêu cầu cuộc đấu tranh này không chỉ dừng lại ở quyết tâm, mà phải bằng pháp luật, bằng sự phối hợp của các bộ, ban, ngành liên quan. Cần phải nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục, đảm bảo sự cảnh báo cũng như giáo dục đồng bộ kỹ năng cho các em ý thức được về việc bị xâm hại. Khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh trước pháp luật các đối tượng để tạo ra sự răn đe, giáo dục chung.
Nhấn mạnh về vấn đề “nóng” này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, con số mỗi năm có 2.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại, 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ chia sẻ với ý kiến của các đại biểu, rất bức xúc và yêu cầu phải xử lý nghiêm minh những vụ việc vi phạm đúng người, đúng tội, không để oan, sai, không để lọt tội và quan trọng nhất phải đặt yêu cầu bảo vệ quyền lợi của trẻ em lên trên hết.
Có thể thấy, thực tế hiện nay, xâm hại trẻ em là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm, lên án. Chính vì vậy, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, gia đình hay một cơ quan, đoàn thể, tổ chức nào, mà đó là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương liên quan và cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm, quan trọng. Trước mắt, để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, cần hỗ trợ, giáo dục cho trẻ những kỹ năng phòng, tránh xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục; sớm dạy cho trẻ biết kiến thức cơ bản về giới tính, cách nhận diện các tình huống nguy cơ, bất thường, cách xử lý; cha mẹ phải thường xuyên chia sẻ, quan tâm, theo dõi những hiện tượng bất thường ở trẻ... Các bậc cha mẹ luôn nhắc trẻ, trong mọi trường hợp, an toàn của trẻ là quan trọng, trẻ phải biết tìm người giúp đỡ khi gặp nguy hiểm bằng cách nhớ số điện thoại của bố mẹ, những người thân tin cậy hoặc số điện thoại của các đường dây nóng.
Thái Bình