Thương mại điện tử (TMĐT) đang mở ra cơ hội lớn cho hoạt động kinh doanh hiện đại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ ấy là nhiều nguy cơ phát sinh các hành vi vi phạm như buôn bán, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng... đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Ninh đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn vi phạm trên môi trường TMĐT.

Theo báo cáo của Chi cục QLTT tỉnh, trong năm 2024, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 130 vụ vi phạm TMĐT với 144 hành vi vi phạm, xử phạt hơn 1,62 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 2,3 tỷ đồng. Riêng trong quý I năm 2025, lực lượng QLTT đã kiểm tra và xử lý 25 trường hợp vi phạm liên quan đến quảng cáo, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu trên internet.
Nổi bật, triển khai Kế hoạch số 27/KH-QLTTQN ngày 14/4/2024 về tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm TMĐT trong năm 2025, trong 3 ngày 22, 23 và 26/4/2025, lực lượng QLTT đã kiểm tra và xử lý 4 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, thu giữ 6.078 sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tổng trị giá hơn 377 triệu đồng. Trong đó, có 3 trường hợp rao bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên Facebook.
Cụ thể, qua rà soát, kiểm tra các tài khoản Facebook như “Năm Đoàn”, “Nguyễn Sơn (Sơn Trà)” và “Tâm Ngô”, lực lượng QLTT phát hiện các đối tượng đăng bán công khai hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kiểm tra tại 3 địa điểm kinh doanh của các tài khoản Facebook nói trên (tại TP Móng Cái và TP Hạ Long), lực lượng QLTT đã thu giữ và tiêu hủy 5.823 sản phẩm gồm: Xúc xích, trà sữa, bánh bông lan, đậu phụ, chân vịt ngâm, kẹo ngậm, trị giá 93,2 triệu đồng và 255 sản phẩm thực phẩm chức năng, trên 40kg thảo dược sấy khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ có tổng trị giá gần 284 triệu đồng.
Theo nhận định từ Chi cục QLTT tỉnh, tình trạng lợi dụng đặc thù của TMĐT, không gian ảo, hoạt động không biên giới, đang khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để bán hàng nhập lậu, livestream giới thiệu sản phẩm và nhanh chóng thay đổi thông tin khi có dấu hiệu bị phát hiện.
Đặc biệt, hàng hóa thường được gửi trực tiếp từ nước ngoài tới địa chỉ người mua thông qua các đơn vị vận chuyển, không cần kho hàng trung gian tại Việt Nam, khiến việc phát hiện, kiểm tra và xử lý rất phức tạp. Việc truy vết giao dịch cũng gặp khó khăn khi đối tượng thường xóa bỏ dấu vết, sử dụng máy chủ đặt ở nước ngoài, thậm chí lẩn tránh kiểm tra bằng cách thay đổi nền tảng bán hàng liên tục.

Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý TMĐT trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như công an, hải quan, bưu chính và các nền tảng giao nhận để kiểm soát luồng hàng hóa, hóa đơn chứng từ.
Lực lượng QLTT tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho các cơ sở kinh doanh, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng qua mạng. Công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh từ người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng được chú trọng nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển, việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh trên không gian số là yêu cầu cấp thiết. Bằng sự chủ động, quyết liệt và đồng bộ trong triển khai các giải pháp, lực lượng QLTT tỉnh đang từng bước siết chặt quản lý TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn trật tự kinh doanh trên địa bàn.