UBND tỉnh vừa ban hành quyết định (số 318/2016/QĐ-UBND) về việc quy định danh mục các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm và thời gian cấm khai thác đối với sá sùng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để bảo vệ nguồn lợi sá sùng, phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm quanh năm là: Tạo hang, đào rãnh, đào theo đường di chuyển của sá sùng; các biện pháp bơm hút cát, sử dụng bơm áp lực lớn để bắt sá sùng; phá huỷ môi trường sống tự nhiên của sá sùng; các hành vi cản trở đường di chuyển tự nhiên của các loại thuỷ sản tại đầm, phá, eo, vịnh, bãi triều và các khu vực có phân bố sá sùng; khai thác sá sùng bằng sử dụng âm thanh, ánh sáng, hoá chất dẫn dụ; sử dụng các loại ngư cụ không phải mai, thuổng để khai thác sá sùng. Đặc biệt, trong thời điểm sá sùng vào mùa sinh sản, cấm tất cả các hình thức, phương pháp khai thác sá sùng tự nhiên. Cụ thể, thời gian cấm khai thác từ 1-6 đến hết ngày 31-7 hằng năm.
Quyết định cũng yêu cầu Sở NN&PTNT theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến cho người dân về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường tại các vùng biển nói chung và vùng có phân bố sá sùng tự nhiên trên địa bàn tỉnh nói riêng. Các địa phương có sá sùng phân bố tự nhiên phải chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức triển khai phương án bảo vệ nguồn lợi sá sùng và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật...
Việc UBND tỉnh ban hành quyết định về bảo vệ nguồn lợi sá sùng là vấn đề rất cấp thiết hiện nay, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì và phát triển một loại thuỷ sản quý hiếm, có giá trị trên địa bàn tỉnh. Bởi lẽ, từ trước đến nay việc khai thác sá sùng tự nhiên được người dân tiến hành tự phát, mạnh ai người ấy làm, sử dụng các biện pháp, cách thức, ngư cụ mang tính huỷ diệt loại sinh vật biển này...
Sá sùng là một loại đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ninh, nó phân bố ở một số vùng biển trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên tập trung nhiều nhất là ở vùng biển Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Sá sùng có thể được chế biến tươi hoặc phơi khô. Giá 1kg sá sùng khô hiện nay khoảng từ 3,5 đến 4 triệu đồng (thường tương đương với 1 chỉ vàng)...
Sá sùng là sản vật quý hiếm của biển, có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt trong bồi bổ ngũ tạng, tư âm tráng dương, tăng cường khí lực. Từ thời xa xưa, chúng được khai thác để làm cống vật tiến vua, quan; chỉ có những người giầu có mới đủ điều kiện sử dụng loại đặc sản này...
Ở một số vùng biển của Việt Nam cũng có sá sùng, tuy nhiên sá sùng ở vùng biển Quảng Ninh dường như có đặc trưng riêng, thân mình dày hơn, độ ngọt đậm đà hơn, hương vị cũng thơm ngon hơn, nhất là khi nó được dùng để chế biến nước phở...
Do có nhiều giá trị như vậy, nên những năm gần đây, sá sùng được săn lùng, khai thác mạnh, mặc dù mật độ phân bố loại thuỷ sản này ở các vùng không nhiều. Trong khi đó, nhiều năm qua chúng ta chưa có những quy định mang tính pháp lý để quản lý, bảo tồn, phát triển giống loài này. Và nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng là hiện hữu...
Bởi vậy, với quy định về việc bảo vệ nguồn lợi sá sùng vừa được ban hành, ngành chức năng và các địa phương có liên quan cần sớm tổ chức triển khai thực hiện. Trước hết là phổ biến, tuyên truyền rộng rãi để nâng cao nhận thức cho người dân ở những vùng có sá sùng tự nhiên sinh sống. Hướng dẫn, tập huấn để họ có phương pháp, cách thức phát triển, khai thác một cách khoa học. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định... Có như vậy chúng ta mới hy vọng bảo vệ, duy trì và phát triển được nguồn lợi thuỷ sản sá sùng nổi tiếng của Quảng Ninh...
Thanh Tùng