Trong sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Quảng Ninh thì sự phong phú về nguồn lợi thuỷ sản chính là một thế mạnh nổi trội. Với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cho đến nay, kinh tế thuỷ sản chưa thực sự vươn lên để trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển song đây vẫn là ngành được tỉnh rất quan tâm. Cùng với đó, hiện một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn đang sống nhờ biển. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản luôn được chú trọng đặc biệt. Hơn nữa, trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến môi trường sống của các loài thuỷ sản thì vấn đề này còn thu hút sự chú ý lớn của mọi người dân.
Trở lại với nguồn tài nguyên quý ở biển Quảng Ninh là các loài thuỷ hải sản, chắc chắn, không chỉ người dân địa phương và rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã được biết đến những loài có giá trị cao về nhiều mặt (như kinh tế, dinh dưỡng...) đã được xây dựng thương hiệu, trở thành sản phẩm của chương trình OCOP. Song, trên thực tế, đây cũng là những loài đang bị tập trung khai thác mạnh, đứng trước nhiều nguy cơ cạn kiệt. Và, sá sùng - một loại hải sản quý được gọi là “vàng trắng” chỉ phân bố tự nhiên ở vùng biển Vân Đồn và bãi triều ở Hải Hà đã từng được cảnh báo về điều này. Thật đáng mừng, ngày 11-11-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 318 về việc quy định danh mục các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm và thời gian cấm khai thác sá sùng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong thời điểm sá sùng vào mùa sinh sản, cấm tất cả các hình thức, phương pháp khai thác tự nhiên (bao gồm các phương pháp khai thác thủ công truyền thống) với thời gian từ 1-6 đến hết ngày 31-7 hàng năm. Cùng với việc khoanh vùng thời gian đặc biệt nói trên, trong Quyết định 318 còn chỉ ra những phương pháp khai thác, loại nghề khai thác và loại ngư cụ bị cấm vĩnh viễn. Đó là, tạo hang, đào rãnh, đào theo đường di chuyển của sá sùng; các biện pháp bơm hút cát, sử dụng bơm áp lực để bắt sá sùng; hành vi phá huỷ môi trường sống tự nhiên của sá sùng; khai thác bằng sử dụng âm thanh, ánh sáng, hoá chất dẫn dụ; sử dụng các loại ngư cụ không phải mai, thuổng; các hành vi cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loại thuỷ sản tại đầm, phá, eo, vịnh, bãi triều và các khu vực có phân bố sá sùng.
Với sự quyết liệt rất cụ thể này, chúng ta hy vọng rằng, nguồn “vàng trắng” ở vùng biển Quảng Ninh sẽ lại có cơ hội để nhân lên. Cũng từ câu chuyện rất cụ thể về việc bảo vệ nguồn lợi sá sùng tự nhiên, hẳn là, bạn đọc sẽ nghĩ đến những loại thuỷ sản khác nức tiếng và đã được “liệt” vào hàng “của ngon, vật lạ” như ghẹ Trà Cổ, ngán Quảng Yên, mực ống Cô Tô. Vẫn biết, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, những loại thuỷ sản này đã được nhân nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường và cũng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Song, bên cạnh đó, nguồn lợi trong tự nhiên vẫn rất cần phải bảo vệ như việc chúng ta đã làm với sá sùng.
Ngọc Lê