Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã qua với rất nhiều âm hưởng phấn chấn của người dân, nhưng có lẽ những hình ảnh về các bãi biển ngập rác mà báo chí và mạng xã hội phản ánh hẳn là ít nhiều cũng đọng lại trong mỗi người một điều gì đó.
Nếu như trước đây, mỗi kỳ nghỉ lễ thường được các gia đình dành thời gian nghỉ ngơi ở nhà hay về quê thăm hỏi họ hàng, thì nay đã phần nhiều có sự thay đổi về thói quen này. Và sự lựa chọn phần lớn đều là ra biển để tận hưởng không khí mát lành khi hè đã bắt đầu với cái nắng oi nồng.
Chưa nói tới các khu vực phía Trung, Nam Bộ, chỉ nhìn ở các tỉnh, thành phố có biển nằm ở phía Bắc thì nơi nơi đều chật kín, đông nghẹt người. Không chỉ những bãi biển lớn, có tiếng, vốn đã là địa chỉ đỏ về du lịch biển như Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hoá), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh) thì những bãi biển như Cồn Vành (Thái Bình), Quất Lâm (Nam Định)… cũng trong tình trạng ùn ứ khách. Lẽ tất yếu, đi cùng dòng người này là một lượng rác thải khổng lồ sẽ được xả ra môi trường. Nhưng, điều chúng ta cần nói ở đây chính là ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân khi tham gia du lịch, nhất là bảo vệ môi trường biển.
Trong thực tế cho thấy, với các điểm du lịch danh thắng hay tâm linh, công tác thu gom rác thải có phần nào thuận lợi hơn rất nhiều thì việc thu gom rác thải trên biển gặp không ít khó khăn. Chúng ta thử hình dung, sau một buổi chiều khi lượng rác xả ra bãi biển chưa được xử lý, thu gom kịp thì chỉ trong một đêm nếu gặp thuỷ triều lên, tất cả lượng rác đó sẽ được đưa ra ngoài xa. Như vậy, mức độ ô nhiễm và các tác động tiêu cực sẽ khó lường đoán. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, không chỉ quan tâm phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, Quảng Ninh đã rất chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường. Chỉ nhìn ở một góc độ hẹp là công tác bảo vệ môi trường trên Vịnh Hạ Long chính là một minh chứng sống động, thuyết phục về điều này.
Phải nói rằng, thật may khi trong dịp du lịch nghỉ lễ vừa qua, Quảng Ninh đã đón một lượng khách “khủng” với khoảng 30 vạn và hướng, tuyến chủ yếu trong lựa chọn của họ là du lịch biển đảo. Thế nhưng, các bãi biển ở Quảng Ninh từ bãi tắm ở Khu Du lịch Bãi Cháy tới Trà Cổ (Móng Cái), Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn) rồi Cô Tô về cơ bản đều không có sự báo động như tình trạng ở các bãi biển mà báo chí phản ánh. Như vậy là chính khách du lịch đã tham gia bảo vệ môi trường biển trong lành, an toàn cho không chỉ một kỳ nghỉ mà còn có thể là những lần trở lại sau.
Cùng chung tay và tích cực tham gia bảo vệ môi trường biển còn chính là bảo vệ nguồn lợi thuỷ, hải sản - một nguồn thực phẩm dồi dào và phong phú và cũng chính là thế mạnh trong phát triển kinh tế của những địa phương có biển. Xin đừng vì một sự vô ý hay lãng quên mà trở thành người góp phần làm biển “chết” bởi ô nhiễm môi trường. Và, nhân đây, cũng xin nhắn nhủ với du khách gần xa hãy tiếp tục cùng Quảng Ninh bảo vệ tốt hơn nữa môi trường trong lành của các vùng biển, đảo.
Ngọc Lê