Cùng với các giá trị đặc biệt về văn hoá và cảnh quan thiên nhiên, Khu Di tích Quốc gia Yên Tử - một điểm du lịch tâm linh không chỉ có tiếng ở Quảng Ninh vừa đón nhận thêm một tin vui mới. Đó là, 144 cây thuộc Khu Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đạt đầy đủ các tiêu chí của cây Di sản theo thông báo (văn bản số 385/HMTg) của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Như tin đã đưa trên Báo Quảng Ninh, căn cứ vào đơn của Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức khảo sát trước khi họp, xét duyệt hồ sơ. Theo thông tin được công bố trên website của Hội (có địa chỉ là http://www.vacne.org.vn) thì tiêu chí cây Di sản được phân định rất rõ và cụ thể, trong đó có sự tách biệt giữa cây tự nhiên, cây trồng và cây khác.
Danh sách 144 cây ở Yên Tử đủ tiêu chí là cây Di sản gồm: 1 cây Đa tía, 1 cây Thị tại chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm, 102 cây Hồng tùng (xích tùng), 10 cây Thông nhựa khổng lồ, 21 cây Mai vàng đặc hữu Yên Tử và 9 cây Đại cổ thụ. Trong các tiêu chí để công nhận cây Di sản (kể cả với cây trồng và cây tự nhiên) thì tuổi đời của cây được đặt lên vị trí số 1. Cụ thể với cây trồng sống trên 100 năm; cây tự nhiên sống trên 200 năm. Chỉ với riêng một tiêu chí này, hệ thống cây Di sản ở Yên Tử đã có sự “vượt trội” với tuổi đời cây từ 300 năm đến trên 700 năm. Và, trước cả khi được công bố là cây Di sản thì hệ thống thực vật ở Yên Tử, đặc biệt là đường Tùng, cây Mai vàng đặc hữu đã mang lại sức hấp dẫn đặc biệt.
Chính vì vậy, với tin vui mới nói trên, chúng ta đều nhìn thấy rất rõ một nhiệm vụ được đặt ra sau khi công bố hàng trăm cây Di sản ở Yên Tử. Đó là công tác bảo tồn và phát huy giá trị của nó như thế nào để cây Di sản có sức trường tồn với thời gian. Quả thực, điều này sẽ là thách thức không nhỏ với Ban Quản lý cũng như chính quyền TP Uông Bí và trong đó có cả trách nhiệm của ngành Văn hoá.
Chúng ta đều biết, tại Yên Tử, trong nhiều năm qua, công cuộc bảo tồn, gìn giữ nhằm cứu các… “cụ tùng” dù có rất nhiều nỗ lực song thực tế vẫn đang vô cùng nan giải. Nhìn rộng hơn, như câu chuyện “cứu” cây đa Tân Trào cũng đã phải huy động công sức nghiên cứu của biết bao chuyên gia trong lĩnh vực này. Do đó, với hơn 100 cây Di sản, chắc chắn, nếu không có một kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị được vạch ra sớm với những giải pháp khả thi, xác định từng lộ trình thì đáp án trong tương lai là gì hẳn ai cũng hiểu. Và, chỉ khi làm tốt công tác bảo tồn thì chúng ta mới có cơ hội để phát huy giá trị, ví như, hình thành một tour du lịch tham quan cây Di sản ở Yên Tử. Gần đây nhất, cây Mai vàng đặc hữu Yên Tử đã được xác định trở thành một lễ hội hoa tiêu biểu của Quảng Ninh và được chú trọng bảo tồn bằng cách hình thành vườn ươm và trồng nhân rộng hơn tại Yên Tử. Có thể xem, những động thái này chính là bước khởi đầu mang tính đi trước thể hiện tầm nhìn xa của nhiều phía mà trong đó có cả những cá nhân vốn rất nặng lòng với cây Mai vàng Yên Tử. Và, từ cách làm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long, chắc chắn rằng, sẽ không quá khó để chúng ta tìm ra hướng đi hiệu quả trong việc giữ gìn hàng trăm cây Di sản ở Yên Tử.
Ngọc Lê