21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2365522
745244
Bao giờ họ mới thoát nghèo?
bao-gio-ho-moi-thoat-ngheo
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Bao giờ họ mới thoát nghèo?

Có lẽ đã đến lúc cần có cách làm khác trong lựa chọn đối tượng hộ nghèo để hỗ trợ thực sự thiết thực, hiệu quả. 

Tôi vừa có chuyến công tác đến thôn Cấu Phùng (xã Quảng Sơn, Hải Hà) - 1 trong 11 thôn được xếp diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Để phù hợp với chuyến đi cơ sở và hòa đồng với nhân dân của thôn nghèo, tôi đã lựa chọn trang phục nhã nhặn nhất, cũng chuẩn bị đôi giày sẵn sàng tâm thế cho cuộc trèo đèo, lội suối này.  

Ấy nhưng bộ quần áo của tôi có vẻ “quê” quá so với trang phục hiện đại của các cô gái tôi gặp trong thôn, đôi giày của tôi cũng chả có cơ hội phát huy tác dụng khi xe bon bon chạy thẳng, đỗ xịch trước cửa nhà văn hóa thôn trong ánh mắt thờ ơ của lũ trẻ đang chơi tại điểm trường sát ngay cạnh và cái bắt tay cũng rất khách sáo của đồng chí trưởng thôn kiêm bí thư Chi bộ.

Hóa ra từ trục đường liên xã Quảng Sơn rẽ vào Cấu Phùng khoảng 4km, chỉ có 1 đoạn đường đất còn lại đều đã là đường bê tông rộng 3m. Tròn 1 buổi sáng ở Cấu Phùng, tôi thấy người dân sống thành 5- 6 cụm dân cư nhưng chỉ còn 1 - 2 cụm là đường đất còn lại đều đã được đổ bê tông đến sát sân nhà dân. Trưởng thôn Phùn Quay Thành dẫn tôi đi gặp hộ khó khăn, hộ nghèo điển hình của thôn và điều họ gửi gắm là không xin con lợn, chả xin con bò, cũng chẳng cần hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mà chỉ xin Nhà nước cho tiền xây nhà.

Tôi hỏi em Tằng Nhì Múi, 21 tuổi (chồng Múi 23 tuổi, 2 con đứa sắp 4 tuổi, đứa 2 tuổi) đang dọn cỏ trong vườn- “Vợ chồng còn trẻ sao không mong được hỗ trợ học nghề hoặc giới thiệu đi làm ở công ty nào đó để có thu nhập ổn định hoặc cho con giống, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt mà lại xin hỗ trợ tiền xây nhà? Mình còn rất trẻ cần có công việc làm ổn định hơn là cần nhà mới chứ!”- Nhì Múi trả lời rất dứt khoát, em không muốn đi làm công ty, cũng không chăn nuôi được đâu, thôi cứ xin nhà nước cho cái nhà đã.

Múi cũng kể với tôi, tháng 9 vừa qua vợ chồng em đi bóc keo, vác keo thuê được 15 triệu đồng nhưng tháng 10 chỉ đi làm 5 buổi nên được có 5 triệu đồng. Múi cũng chẳng tiếc khi tháng 10 chỉ kiếm được ít tiền hơn tháng 9. Tôi nhìn vườn rau Múi đang rẫy cỏ, có vài cây đỗ, mấy cây rau cải, mấy hốc sắn mọc lơ thơ, cây cong queo, khô khốc. Múi bảo “làm vậy thôi cứ có cái ăn là được.”

Trong lúc chúng tôi đến nhà các hộ dân, 3 cô gái chừng 17- 18 tuổi, tóc nhuộm vàng, quần bò rách- loại mốt của các em tuổi teen hiện nay, áo croptop đi theo, mỗi cô tay cầm một smart phone vừa đi vừa vuốt vuốt màn hình, rồi nhìn chúng tôi cười khúc khích. Một em trong số đó, 17 tuổi, con gái ông Phó thôn kể với tôi: Em đã học hết lớp 9 rồi, nhà không có tiền nên chẳng muốn đi học nữa, em ở nhà vác keo, bóc vỏ keo thuê cho người ta. Ngày nào thích thì đi làm, không thích thì ở nhà chơi. Ông bố của em đang nấu rượu ngẩng đầu bảo: Kệ nó, học thế thôi, mấy nữa có người hỏi thì gả chồng, sao phải học nghề, đi làm công ty làm gì. 

Tôi rời Cấu Phùng khi các nhà đã ăn xong bữa cơm trưa, nhìn những ngôi nhà ngói âm dương, nhà lợp mái bờ rô xi măng thâm xỉn trong cơn mưa ngày gió mùa tăng cường, trong đầu quẩn quanh câu “nghèo bền vững” của Trưởng thôn Phùn Quay Thành.

“Hết cách rồi chị ạ, lợn, bò các doanh nghiệp, nhà nước hỗ trợ đều đã giao đến tận tay từng nhà nhưng chả ai nghĩ cách nhân đàn mà lợn lớn gọi nhau thịt liên hoan, bò không chăm để chết. Vận động đi làm dưới nhà máy Texhong không ai đi, đi bóc keo thuê thì chỉ chọn những chỗ rừng gần, không đi làm xa. Như này gần 30 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo thôn em chắc còn nghèo bền vững!”- Thành nói khi chào chúng tôi.

Năm 2017, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 1.801 hộ thoát nghèo và 1.015 hộ thoát cận nghèo, 1 xã, 7 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Và mục tiêu tỉnh đặt ra cho năm 2018 là phải giảm được 0,7% số hộ nghèo, đưa 2 xã, 34 thôn (thuộc các xã khu vực I, II) ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Mục tiêu rất nhân văn này là thành quả phát triển của tỉnh. Và phải khẳng định rằng đa phần các hộ nghèo đều có mong muốn được thoát nghèo nhưng cũng còn phần không nhỏ trong đó tư tưởng “ngại thoát nghèo” tồn tại một cách bền vững như những hoàn cảnh tôi gặp ở Cấu Phùng.

Làm thế nào để những hộ nghèo do ý thức này thoát nghèo là câu hỏi khó? Bản thân họ trông chờ ỉ lại vì tin rằng sự nhân văn của chế độ, của xã hội sẽ không bỏ rơi họ. Có lẽ đã đến lúc cần có cách làm khác trong lựa chọn đối tượng hộ nghèo để hỗ trợ thực sự thiết thực, hiệu quả. Nên chăng trong bình bầu ở các thôn cần đưa ra tiêu chí xét về việc sử dụng các hỗ trợ trước đó như thế nào và kiên quyết không hỗ trợ đối với các hộ chỉ biết nhận nhưng không biết làm….

Ngọc Lan

Cùng chuyên mục