Trong tuần, một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh, làm 3 công nhân bị tử vong.
Cụ thể, khoảng 12h00’ ngày 22-8, tại hố thang máy phụ thuộc toà nhà số 3, chung cư Newlife Tower, đang thi công trên địa bàn phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), do Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Hà Nội làm chủ đầu tư và Công ty CP Tư vấn đầu tư Thái Bình thi công, phát hiện 3 công nhân đã tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tử vong bước đầu được xác định là do trong quá trình lắp đặt đường ray thang máy phụ ở khu vực tầng 7, số công nhân này đã bị rơi xuống hố thang máy tầng 1. Hiện tại các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ tai nạn...
Có thể nói đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, cùng lúc cướp đi sinh mạng của 3 công nhân tuổi đời còn rất trẻ. Và mặc dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân của vụ tai nạn, nhưng chắc chắn ở đây có sự vi phạm về quy trình đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc của những công nhân này. Suy rộng ra có sự liên đới trách nhiệm của người quản lý, giám sát thi công các phần việc của công trình, của lực lượng thanh, kiểm tra về an toàn lao động...
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2017, tại các doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 257 vụ tai nạn lao động, làm 266 người bị nạn; trong đó số vụ tai nạn lao động chết người là 12 vụ, số người chết là 12 người; số người bị thương nặng 157 người, số bị thương nhẹ 97 người. So với cùng kỳ năm 2016, tổng số vụ tai nạn giảm 23 vụ; tổng số nạn nhân giảm 22 người; nhưng đáng chú ý là số vụ tai nạn lao động chết người lại tăng 4 vụ (+50%); số người chết tăng 3 người (+33,3%)...
Bên cạnh đó, số vụ tai nạn lao động chết người ở các doanh nghiệp có trụ sở chính ở tỉnh ngoài (không phải thống kê, báo cáo) xảy ra trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm là 8 vụ, làm chết 8 người, so với cùng kỳ tăng 5 vụ, số người chết tăng 5 người (+166,6%)...
Trong tổng số các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trong 6 tháng đầu năm vừa qua thì chủ yếu thuộc về các đơn vị ngành Than với 10 vụ, 10 người chết. Đây là điều không mới, nhưng rõ ràng qua đây nói lên công tác đảm bảo an toàn lao động trong các doanh nghiệp ngành Than cần phải được đặc biệt quan tâm, chú trọng, siết chặt và tăng cường quản lý hơn nữa...
Theo ngành chức năng, nguyên nhân trực tiếp của phần lớn các vụ tai nạn lao động là do người lao động còn chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa tai nạn lao động, dẫn tới tai nạn cho bản thân và đồng đội. Tuy vậy, cũng có một phần lỗi gián tiếp và trách nhiệm của người quản lý, sử dụng lao động như công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện, tuyên truyền, giáo dục ý thức, nhận thức về an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động chưa thực sự hiệu quả...
Từ những số liệu thống kê trên cho thấy, tình hình tai nạn lao động chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Đây là điều đáng báo động. Bởi vậy, từ thực tế các vụ tai nạn lao động chết người đã xảy ra, các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng, các chủ đầu tư công trình, dự án, nhà thầu thi công cần phải có những phân tích, đánh giá nguyên nhân, để trên cơ sở đó đề ra các biện pháp quản lý, ngăn ngừa tai nạn lao động hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn tính mạng, hạnh phúc cho người lao động và giảm chi phí, thiệt hại cho doanh nghiệp, nhất là khi hiện nay Quảng Ninh đang được ví như một đại công trường, với rất nhiều dự án, công trình có quy mô lớn, nhỏ đang được thi công, triển khai...
Thanh Tùng