Kỷ niệm 93 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 ( 1925-2018), chúng ta tự hào về sự phát triển mạnh mẽ và những tác dụng, vai trò, hiệu quả to lớn của nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đã tác động sâu rộng tới nghề báo cũng như hoạt động báo chí, nhất là trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể nói, trong lĩnh vực truyền thông hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự tồn tại, phát triển của các phương tiện truyền thông truyền thống và ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.
Để thích ứng và theo kịp với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhất là những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo đang phải nỗ lực làm mới mình từ công tác chỉ đạo, quản lý đến các kỹ năng tác nghiệp, xây dựng tác phẩm. Đặc biệt, trước sự phát triển của các trang mạng xã hội, công nghệ làm báo mới và báo chí đa nền tảng, đòi hỏi hoạt động tác nghiệp của nhà báo, đạo đức người làm báo trong sự bùng nổ thông tin cũng cần phải có những điều chỉnh để phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhưng vẫn giữ vững được bản sắc, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo, tờ báo.
Cách mạng 4.0 tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Ví như, thay bằng tiếp cận với các tờ báo in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công chúng có thể tiếp cận thông tin bằng cả các cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường.
Có thể nói, trong thời đại kỷ nguyên số, một nhà báo hiện đại phải có đủ các kỹ năng: Vừa biết viết, biết chụp ảnh, biết quay hình, biết sử dụng đồ họa, thậm chí biết cả lập trình. Điều này đặt ra cho các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo phải hiện đại hóa, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, đào tạo lại mới có thể tiếp cận, sử dụng được những ứng dụng truyền thông của công nghệ 4.0 vốn rất tiềm năng và hiệu quả.
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cách thức làm báo đã thay đổi nhanh chóng. Nhà báo có thể làm việc ở mọi nơi, mọi lúc với máy tính xách tay có kết nối Internet, máy ảnh số, máy quay video kỹ thuật số. Còn bạn đọc thì cũng có thể đọc báo ở mọi lúc, mọi nơi bằng điện thoại thông minh của mình.
Trong xu thế phát triển này, ngành báo chí Việt Nam nói chung, các cơ quan báo chí của tỉnh nói riêng đang bước vào thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0. Và như vậy, các cơ quan báo chí cùng các nhà báo phải làm chủ được công nghệ để đưa đến bạn đọc các tác phẩm báo chí của mình thông qua môi trường mạng...
Tuy vậy, dù công nghệ có phát triển đến đâu, thì với các nhà báo quan trọng nhất vẫn là nền tảng kiến thức và đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo phải có cái "tâm", luôn giữ vững những tiêu chuẩn, nguyên tắc của người làm báo là sự thật, công bằng, khách quan. Đó là những điều mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế, không thể làm hộ được...
Thanh Tùng