Cách đây 72 năm, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã đưa dân tộc Việt Nam bước sang trang sử mới. Trong mốc son lịch sử này, Quảng Ninh là địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, với nhiều điểm đấu tranh độc đáo, chủ động, sáng tạo.
Nguyên nhân chính của những khác biệt này là do bối cảnh lịch sử bấy giờ của Quảng Ninh rất đặc biệt so với các địa phương khác. Cố nhà giáo Tống Khắc Hài - người đã dành nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Quảng Ninh từng nhận xét rằng, Vùng mỏ với lợi thế biên giới và lại là vùng “vàng đen” đã là điều kiện tất yếu để hình thành đấu tranh mạnh mẽ và sớm nhất của công nhân mỏ và các tầng lớp nhân dân. Với sự ra đời của chiến khu Đông Triều, lực lượng của ta có thế và lực mạnh mẽ đã nhanh chóng dùng vũ trang làm mũi nhọn khởi nghĩa giành thắng lợi vang dội. Ta nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên vào ngày 20-7-1945.
Ở Hòn Gai, ta đã chủ động, khẩn trương trong việc giành chính quyền kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với vũ trang buộc địch phải rút lui. Tại Cẩm Phả, công nhân mỏ đã tự đứng lên đấu tranh giành chính quyền bằng đấu tranh chính trị dưới ảnh hưởng của thắng lợi tại các địa phương khác.
Ở khu vực miền Đông, tình hình tại khu vực biên giới rất phức tạp, chúng ta đã phải dùng tới phương thức đấu tranh bằng đàm phán, ngoại giao với Việt cách, Việt quốc. Đây cũng là nơi duy nhất trong cả nước sử dụng hình thức ngoại giao để giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám tại Quảng Ninh đã minh chứng một điều, ở một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhân dân Quảng Ninh luôn có sự chủ động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề đặt ra của lịch sử. Ở từng vùng trên địa bàn tỉnh, với những đặc trưng riêng của mình, nhân dân đã biết tính đến các điểm riêng biệt để có sách lược và phương pháp phù hợp giành thắng lợi. Bài học về chọn lựa đúng lúc, đúng thời cơ để giải quyết các vấn đề then chốt luôn có ý nghĩa quyết định.
Trong công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh hôm nay, bài học từ Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Quảng Ninh vẫn còn nguyên giá trị. Đó là những bài học về xây dựng hệ thống chính trị, củng cố mối đại đoàn kết toàn dân, huy động sức dân, về chọn thời cơ, đột phá, sáng tạo. Những năm qua, hệ thống chính trị ở Quảng Ninh không ngừng được củng cố, đổi mới, sáng tạo. Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện nhất thể hoá chức danh lãnh đạo thông qua thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, đến nay đã trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương trong nước. Rồi một loại chủ động, sáng tạo trong xây dựng trung tâm hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Trong phát triển kinh tế, Quảng Ninh cũng là tỉnh sáng tạo, đi đầu trong nhiều lĩnh vực như việc triển khai các dự án xây dựng cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, sân bay Vân Đồn; các dự án du lịch mang tầm cỡ khu vực, quốc tế; các chiến lược thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, tăng lĩnh vực du lịch - dịch vụ là trọng tâm.v.v..
72 năm đã qua và hơn thế nữa về sau này, bài học trong đấu tranh giành chính quyền của Cách mạng Tháng Tám đã, đang và vẫn sẽ củng cố vững chắc niềm tin vào sức dân, vào sự chủ động, sáng tạo, tiên phong của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, nâng tầm cao mới.
Trần Minh