Khi một dải ven biển miền Trung đang rất "nóng" bởi sự kiện cá chết mà chưa rõ nguyên nhân thì tại 3 xã thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh cũng xảy ra tình trạng 216/416ha ngao nuôi bị chết. Nhưng đây không phải là hiện tượng mới và cũng không có gì bất thường bởi cơ quan chuyên môn đã nhanh chóng làm rõ nguyên nhân đồng thời công bố thông tin chính thức.
Theo cơ quan chuyên môn, nguyên nhân khiến ngao nuôi ở Hải Hà bị chết số lượng lớn không phải do bệnh lý mà nằm ở những lý do sau: Một là, mật độ thả nuôi quá dày, gấp 5 lần so với khuyến cáo kỹ thuật, cụ thể là trên 500 con/m2. Yếu tố này dẫn đến không gian sinh sống của ngao bị hạn chế và phải cạnh tranh nguồn thức ăn, thiếu thức ăn. Hai là, trong thời điểm cuối năm 2015 và đầu 2016 thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi nên có tác động không tốt tới sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Ba là, hầu hết số ngao, nghêu chết đều đã đạt cỡ thương phẩm nhưng người nuôi lại cố nán không thu hoạch đúng thời điểm bởi thị trường tiêu thụ khó khăn do vậy là sức sống của đối tượng nuôi cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh những nguyên nhân nói trên, đáng chú ý, số nghêu, ngao nuôi ở đây có những bất cập về nguồn gốc giống như mua bán không hoá đơn chứng từ, không kiểm dịch trước khi thả nuôi. Với những nguyên nhân đã được làm rõ, các hộ nuôi ngao ở 3 xã của huyện Hải Hà vừa bị thiệt hại sẽ không thuộc diện nằm trong quy định được nhận hỗ trợ của Nhà nước. Như vậy là, khó chồng khó và sự nan giải này chỉ có thể được "gỡ" khi chính người nuôi thay đổi cung cách làm ăn để hướng tới sự phát triển bền vững.
Từ những phân tích rất rõ ở trên cho thấy, không thể phủ nhận tình trạng người nuôi mải chạy theo lợi nhuận trước mắt nên bất chấp những khuyến cáo cũng như tuân thủ đúng các quy định về nuôi thả nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả. Cùng với đó, người dân ở đây đã "vấp" phải việc nuôi ngao theo hiệu ứng phong trào, kiểu "thấy hàng xóm ăn khoai cũng vác mai đi đào". Nói vậy bởi, theo quy hoạch của huyện Hải Hà, chỉ có xã Quảng Minh là nằm trong quy hoạch nuôi nhuyễn thể trong khi đó ở các xã Quảng Điền, Phú Hải dù đã được khuyến cáo là không nên vì điều kiện không thuận lợi nhưng người dân cũng nuôi thả với tổng diện tích ở mỗi xã từ hàng chục lên đến hàng trăm ha.
Tuy nhiên, bên cạnh những bài học đáng giá cho người nuôi ngao ở Hải Hà - đối tượng đang chịu thiệt hại thì cũng cần xem lại công tác quản lý của chính quyền địa phương và sự sát sao của cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện. Bởi, nói gì đi nữa thì việc người dân phát triển sản xuất không đúng quy hoạch đã cho thấy sự lỏng lẻo về quản lý và công tác tuyên truyền, tập huấn các kiến thức về nuôi thả vẫn chưa thật sự "ngấm" đến chủ thể chính.
Ngọc Lê