Ngày khai giảng năm học mới 5-9 năm nay cũng là ngày Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường có hiệu lực thi hành.
Môi trường giáo dục an toàn là môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần. Môi trường giáo dục lành mạnh là môi trường giáo dục không có tệ nạn xã hội, không có bạo lực; người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hoá. Môi trường giáo dục thân thiện là môi trường giáo dục mà người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái; được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực. Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khoẻ; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Để đảm bảo yêu cầu trên, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP đã có những quy định cụ thể về địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em; yêu cầu tài liệu, học liệu giảng dạy; hoạt động bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường.
An toàn trong trường học, an toàn trên đường đến trường cho học sinh đang là mối quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh cùng cả xã hội.
Việc đảm bảo an toàn các công trình trường học đã được “báo động” từ vụ việc sập phòng học gây tai nạn cho các học sinh tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng xảy ra ngày 26-8 vừa qua.
Từ vụ việc sập phòng học ở TP Đà Lạt nói trên, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, rà soát các trường học có phòng, lớp học xây dựng từ lâu, xuống cấp; đặc biệt các phòng, lớp học có kết cấu sàn lắp panel, tấm đan hoặc sàn bằng gỗ có nguy cơ mất an toàn để có phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc tháo dỡ đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình sử dụng. Đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra, hướng dẫn UBND các địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phương án xử lý, khắc phục (nếu có), trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết cụ thể.
Vụ việc nữ học sinh lớp 6 thiệt mạng thương tâm trên đường đi học về do bị tụt xuống cống thoát nước ở phường Giếng Đáy, TP Hạ Long ngày 14-8 vừa qua cũng “báo động” cho việc đảm bảo an toàn cho trẻ trên đường đến trường và từ trường về nhà.
Đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên không chỉ ở trường mà cả trên đường đến trường được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Tại chỉ thị về một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018 (số 11/CT-UBND ngày 22-8-2017) Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu hoàn thiện việc sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất, bảo đảm đủ phòng học, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Rà soát các điểm không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn cho học sinh khi đến trường, có biện pháp cụ thể đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên.
Một năm học mới bắt đầu, cùng bắt đầu thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Nguyên Đan