Vâng, đối tượng đặc biệt mà chúng tôi đề cập ở đây là 2 nhóm cụ thể gồm người khuyết tật và trẻ em mồ côi thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc thực sự không có điều kiện để tái tạo nhà ở, hiện còn ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng hoặc chưa có nhà ở. Và theo đề nghị của tổ chức đưa ra ý tưởng này là Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh thì kinh phí xây nhà sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hoá. Loại nhà được đề xuất là cấp 4.
Trước tiên, cần phải ghi nhận đây là cách làm mang tính tổng thể và có quy mô nhằm giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi đang thực sự khó khăn về nhà ở sẽ được đảm bảo an cư. Nói như vậy, không có nghĩa là từ trước tới nay, vấn đề nhà ở của 2 nhóm đối tượng trên chưa được quan tâm hay hỗ trợ. Trong thực tế, nhìn từ phía tổ chức Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, với nguồn kinh phí không phải là lớn được huy động từ chương trình “Nối vòng tay nhân ái” tính đến nay đã tròn 10 năm thì cũng trong chừng ấy thời gian đã hỗ trợ xây mới 85 căn nhà. Hẳn là, sẽ có ai đó nghĩ rằng, con số này còn nhỏ bé quá. Điều này không sai nhưng cũng chẳng đúng. Đơn giản vì, tổ chức Hội còn phải triển khai rất nhiều chương trình khác. Như vậy, con số 85 căn nhà được xây mới cho người khuyết tật và trẻ mồ côi thực sự là món quà vô cùng quý giá ghi nhận sự nỗ lực của nhiều phía.
Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu qua Sở LĐ,TB&XH thì tính đến thời điểm hết năm 2015, toàn tỉnh có 8.030 trẻ em con hộ nghèo, 7.595 trẻ em con hộ cận nghèo và 19.000 người khuyết tật, còn đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội là 30.688 người. Đưa những con số này không có nghĩa là sẽ có từng ấy ngôi nhà được xây mới, mà chúng tôi mong rằng cộng đồng cùng chia sẻ với các cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người yếu thế. Tại Công văn số 5581/UBND-XD4 của UBND tỉnh ban hành (ngày 8-9-2016) gửi đến các sở, ngành giao nhiệm vụ về nội dung xã hội hoá nhà cấp 4 cho 2 nhóm đối tượng cụ thể đã đề cập ở phần trên thì trước khi đề xuất phương án thì Sở LĐ,TB&XH chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, cùng các địa phương phải tiến hành rà soát. Trên cơ sở của kết quả này, Sở Xây dựng phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh và các đơn vị liên quan đề xuất lập phương án trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Và xin nhắc lại, nguồn vốn để thực hiện chương trình này theo hình thức xã hội hoá. Nhìn từ thực tiễn cho thấy, điều này hoàn toàn khả thi, bởi trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân có tấm lòng vàng đã chung tay, góp sức thông qua nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Như trường hợp của anh Bùi Văn Dương (sinh năm 1982), khu Trại Cọ, phường Đông Mai, TX Quảng Yên bị liệt cả 2 chân sau một tai nạn lao động. Trong cơn bĩ cực ấy, anh Dương vốn chông chênh lại bị mất thêm chỗ dựa khi vợ bỏ đi để lại một con gái nhỏ. Hai bố con anh Dương sống trong căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Qua khảo sát thực tế, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã vận động Hội Golf Quảng Ninh hỗ trợ 50 triệu đồng; cùng với đó, họ hàng và nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng tham gia trợ giúp. Cũng tầm này của năm ngoái, bố con anh Dương đã được ở trong ngôi nhà mới vững chãi, an toàn. Anh Dương đã chia sẻ rằng, nếu không có sự hỗ trợ thì chẳng biết đến bao giờ bố con tôi mới có thể an cư để rồi yên tâm mà xoay sở kiếm sống.
Câu chuyện cụ thể về anh Dương chỉ là một trong nhiều câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn và truyền thống “thương người như thể thương thân” để chúng ta cùng nhau bày tỏ hy vọng về Đề án xã hội hoá nhà ở cấp 4 cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo… sẽ sớm được triển khai trong thực tế.
Ngọc Lê