21
1
Chính trị/
/chinh-tri
3355600
1500830
"Sáp nhập đơn vị hành chính là bước đi đúng, hợp lòng dân”
a
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

"Sáp nhập đơn vị hành chính là bước đi đúng, hợp lòng dân”

Sáng 28/4, tại TP Hạ Long đã diễn ra  Kỳ họp thứ 26 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Một trong những nội dung quan trọng được xem xét, cho ý kiến, quyết nghị tại Kỳ họp lần này là về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Sáng 28/4, tại TP Hạ Long đã diễn ra  Kỳ họp thứ 26 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Một trong những nội dung quan trọng được xem xét, cho ý kiến, quyết nghị tại Kỳ họp lần này là về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Bên lề kỳ họp, phóng viên Trung tâm Truyền thông đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu, cử tri xung quanh nội dung này.

Quang cảnh kỳ họp.

Đồng chí Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn: “Tận dụng thời cơ, vận hội đưa Vân Đồn cất cánh trong kỷ nguyên mới".

Trước hết cần phải khẳng định, mảnh đất Vân Đồn đã từng có thời kỳ là một khu vực “đặc biệt” cực kỳ thịnh vượng trong giao thương bằng đường biển dưới thời các triều đại Lý, Trần, Lê. Trong xu thế phát triển toàn cầu hóa, Vân Đồn cũng được đặt trong quy hoạch phát triển liên hoàn quốc gia và kết nối với quốc tế. Và từ trước khi được đề xuất với Trung ương về việc thành lập Đặc khu, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thí điểm thành lập và phát triển Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn với nhiều cơ chế chính sách đặc thù. Và đến nay, thời cơ để Vân Đồn cùng với Cô Tô của Quảng Ninh và nhiều đơn vị hành chính khác trở thành Đặc khu đã “chín muồi”.

Để chuẩn bị cho sự thành lập và phát triển ổn định, nhanh, mạnh mẽ và bền vững của Đặc khu Vân Đồn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất trình xin ý kiến Ban Bí thư về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn. UBND tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác triển khai lập Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Đặc khu Vân Đồn.

Hiện Tổ công tác đã rà soát, cập nhật thông tin về hiện trạng phát triển Đặc khu Vân Đồn để cập nhật vào nội dung đề án; kết nối với các nhóm chuyên gia và kinh nghiệm phát triển của một số địa phương để xây dựng dự thảo đề cương, đề xuất các cơ chế, chính sách áp dụng thí điểm cho Đặc khu Vân Đồn theo nhiều nhóm chính sách... Vân Đồn cũng đã chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị về bộ máy, nhân lực… sẵn sàng đi vào hoạt động theo mô hình mới. Tôi tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị chủ động, tích cực, chu đáo, Vân Đồn cùng với Cô Tô sẽ tận dụng tốt thời cơ mới, vận hội mới, khai thác tối đa tiềm năng, dư địa, tận dụng lợi thế, vươn mình bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Đại biểu Trần Thùy Liên (Tổ đại biểu Hạ Long): “Tỷ lệ cử tri đồng ý cao là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền và sự đổi mới”.

Quảng Ninh là địa phương có địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều, nhiều xã, phường hiện nay không đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định. Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng thuận và ủng hộ chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy nguồn lực của địa phương trong giai đoạn phát triển mới. Với tỷ lệ 99,31% cử tri đồng ý với phương án sắp xếp và 98,78% cử tri đồng ý với tên gọi các đơn vị hành chính mới, có thể nói là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền và sự đổi mới. Đồng thời cũng cho thấy sự thận trọng và trách nhiệm của tỉnh trong triển khai nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm sâu hơn những nội dung sau trong quá trình thực hiện: Tổ chức các hoạt động lưu giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa đang hiện diện; có những chính sách chuyển đổi vị trí công tác hoặc hỗ trợ nghỉ chế độ sớm hợp lý và nhân văn; nên duy trì một số điểm hành chính vệ tinh hoặc cải tiến mô hình “chính quyền lưu động”; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, không phải di chuyển nhiều… Tôi cũng mong rằng, HĐND tỉnh sẽ có cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, tổng hợp phản ánh của các đại biểu và điều chỉnh kịp thời nếu phát sinh vấn đề, để việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trở thành một bước đi chiến lược trong cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương, tạo nền tảng cho một nền hành chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Nga (Tổ Quảng Yên): “Sớm có hướng dẫn phân cấp, phân quyền để bộ máy sớm đi vào hoạt động”.

Tôi hoàn toàn đồng tình với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh khi trong quá trình tổ chức thực hiện được cân nhắc kỹ lượng các yếu tố về lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc, tôn giáo, phong tục tập quán, vị trí, địa lý và các định hướng quy hoạch đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, qua nắm tình hình cử tri và nhân dân liên quan đến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh, cử tri còn quan tâm tới một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Vì vậy, tôi đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm có hướng dẫn phân cấp, phân quyền để bộ máy sớm đi vào hoạt động. Đồng thời quan tâm, bố trí, sắp xếp công việc hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp; xem xét, nghiên cứu ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn. Việc bố trí, sử dụng trụ sở công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng cần có phương án xử lý hiệu quả, tránh lãng phí tài sản công.

Anh Hoàng Văn Thụy (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long): “Với những lợi thế từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì giới hạn về khoảng cách địa lý sẽ không còn là trở ngại quá lớn trong công tác quản lý nhà nước”.

Đầu năm 2020, sau khi sáp nhập với huyện Hoành Bồ, Hạ Long trở thành thành phố thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 32 đơn vị hành chính cấp xã. Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Trung ương, TP Hạ Long còn 11 xã, phường. Tôi cho rằng đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, bởi thời đại 4.0 thì giới hạn về khoảng cách địa lý đã không còn là trở ngại quá lớn trong công tác quản lý nhà nước. Một cấp xã mới, được hình thành từ sự hợp nhất của nhiều đơn vị hành chính sẽ mở rộng không gian phát triển cho địa phương. Khi có một phương thức quản lý linh hoạt, kết hợp giữa tinh gọn bộ máy, tăng cường phân cấp và ứng dụng công nghệ sẽ giúp cho các xã, phường mới phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của các đơn vị hành chính sau sáp nhập. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao và những bước đi bài bản, thận trọng, chủ trương sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính sẽ được tỉnh triển khai thành công, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

 

Bà Nguyễn Thị Gái, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả: “Đồng thuận cao với phương án sắp xếp đơn vị hành chính”

Là một người dân sinh sống lâu năm tại TP Cẩm Phả, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính mà tỉnh đang triển khai. Đây là bước đi cần thiết, thể hiện tầm nhìn chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân tốt hơn. Theo tôi, phương án sắp xếp lần này được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bài bản, bám sát thực tiễn địa phương. Việc gộp các đơn vị hành chính có quy mô dân số và diện tích chưa đạt chuẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư. Đồng thời, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức cũng giúp giảm chi phí ngân sách, tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong quá trình lấy ý kiến, chính quyền thành phố và tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, đối thoại trực tiếp với người dân, thể hiện sự cầu thị, lắng nghe. Những băn khoăn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đều được tiếp thu, giải đáp thấu đáo. Điều đó càng khiến chúng tôi thêm tin tưởng vào sự đúng đắn của chủ trương này. Do đó, người dân chúng tôi đều thể hiện sự đồng thuận cao. Chúng tôi tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, việc sắp xếp sẽ diễn ra thuận lợi, góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng sau sắp xếp, bộ máy chính quyền sẽ vận hành hiệu quả hơn, người dân được phục vụ tốt hơn và diện mạo quê hương sẽ ngày càng khởi sắc. 

Ông Trương Thanh Đông, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 2, phường Yên Giang, TX Quảng Yên: “Sáp nhập đơn vị hành chính là bước đi đúng, hợp lòng dân”.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ cao chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính của tỉnh. Đây là bước đi đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tinh gọn bộ máy và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo phương án sắp xếp, TX Quảng Yên sẽ được tổ chức lại từ 19 xã, phường xuống còn 6 phường. Trong đó, phường Yên Giang, phường Quảng Yên và xã Tiền An sẽ được sáp nhập thành phường Quảng Yên mới, với quy mô dân số và diện tích mở rộng hơn trước. Việc sáp nhập này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành mà còn mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh phát triển đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Đây là một chủ trương lớn, nhưng rất trúng và đúng, nhận được sự đồng thuận rất cao từ người dân.

Qua lấy ý kiến tại khu 2, 100% cử tri đều nhất trí với phương án sáp nhập. Điều đó thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản của tỉnh và thị xã, cùng sự đồng lòng của nhân dân, việc sáp nhập lần này sẽ thành công, tạo tiền đề cho sự bứt phá phát triển.

Cùng chuyên mục