Tại hội nghị giao ban công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ cuối năm 2016, vừa diễn ra ngày 11-10, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, 9 tháng mà chỉ có 4 cuộc điện thoại phản ánh vi phạm về an toàn thực phẩm qua đường dây nóng là quá ít.
Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về vi phạm an toàn thực phẩm đã được các ngành Công Thương (1900585826), Y tế (19009095; 0981815815), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1800599911) công khai. Trong 9 tháng, cả 4 đường dây nóng chỉ tiếp nhận được 4 phản ánh, quả là quá ít. Sự quá ít này, có thể chủ yếu do việc thông tin, tuyên truyền về đường dây nóng chưa tới được người dân.
Cũng trong 9 tháng, đã có tới 115 văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của UBND tỉnh cùng các sở, ngành. Tại hội nghị nói trên, các đại biểu đều thống nhất đánh giá, các văn bản chỉ đạo đã đầy đủ, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh, có nhiều cách làm hiệu quả, song vẫn còn nhiều khó khăn.
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong 9 tháng, toàn tỉnh đã tổ chức 849 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có 609 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành (cấp tỉnh 9 đoàn, cấp huyện 42 đoàn, cấp xã 558 đoàn). Công an tỉnh đã phát hiện xử lý 213 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó khởi tố điều tra 4 vụ với 8 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 209 vụ với số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Ngành Công Thương kiểm tra, xử lý 605 vụ, phạt tiền gần 1,4 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã tiêu huỷ sản phẩm của 451 cơ sở với tổng số tiền ước tính 4,5 tỷ đồng...
Phát biểu tại hội nghị, có đại biểu cho rằng việc có kết quả kiểm tra mẫu rau, thực phẩm mất nhiều thời gian nên khó trong xử lý. Có đại biểu cho rằng công tác kiểm tra phải đột xuất, ngoài giờ hành chính mới hiệu quả. Và quản lý, kiểm soát thực phẩm phải theo chuỗi, từ nuôi trồng, vận chuyển, bảo quản đến chế biến...; quản lý tốt ngay từ cánh đồng... Có đại biểu ví, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm như đánh giặc. Có đại biểu cho rằng cần kiểm soát an toàn thực phẩm như kiểm soát pháo nổ, làm hiệu quả từ cơ sở thôn, xã. Có địa phương cho biết tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhà chùa, nhà thờ...
Phát biểu kết luận hội nghị, về những giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Đặng Huy Hậu nhấn mạnh tới công tác thông tin, truyền thông, sao cho có sự chuyển biến lớn, tích cực hơn nữa trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Cụ thể, cần phải đồng bộ trong công tác truyền thông và thông tin, tuyên truyền trên báo chí cũng cần phải đổi mới. Không chỉ giới thiệu những mô hình sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm, mà phải làm chuyển biến tích cực tập quán sản xuất, tập quán tiêu dùng. Cần phát huy hệ thống truyền thanh cơ sở, lồng ghép nội dung tuyên truyền về an toàn thực phẩm với tuyên truyền về an toàn giao thông tại các loa công cộng. Các tổ chức đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền miệng về nội dung này. Ngành giáo dục cần lồng ghép nội dung đảm bảo an toàn thực phẩm trong nội dung bài giảng cũng như sinh hoạt ngoại khoá. Thông qua sinh hoạt tín ngưỡng lồng ghép tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm là một cách làm hay...
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, ngoài tăng cường công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm và lương tâm của các nhà sản xuất, các nhà phân phối, rất cần sự đồng lòng, chung tay của cộng đồng.
Nguyên Đan