Bộ Chính trị vừa có kết luận về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Theo đó, 6 mô hình thí điểm gồm: Kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện; Hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện; Trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện; Tổ chức lại đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh; Hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; Hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HÐND và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung ở những nơi có đủ điều kiện.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy để đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay. Bởi một thực tế đã được nhìn nhận rõ là bộ máy của chúng ta đang quá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ đạt kết quả thấp, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều; việc bổ nhiệm cấp “hàm” ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn yếu kém; cải cách hành chính chuyển biến chậm, không đồng bộ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng còn yếu, nhất là ở cơ sở và trong doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Năng lực quản lý, điều hành và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan nhà nước còn hạn chế. Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới, một số nhiệm vụ còn trùng lắp, “hành chính hoá”, “công chức hoá”, v.v..
Nhận rõ những tồn tại, hạn chế này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, chỉ đạo rất sát sao việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Các địa phương trong cả nước cũng đã quán triệt, triển khai thực hiện bằng những cách làm sáng tạo để có được những mô hình đổi mới thực sự hiệu quả, đảm bảo không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mà còn củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh có thể khẳng định việc thí điểm đổi mới tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị bằng quyết tâm cao, cách làm hết sức kỹ lưỡng, đổi mới, sáng tạo nhưng rõ đối tượng, rõ việc, rõ trách nhiệm, có sự phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả rất đáng để chia sẻ, nhân rộng. Đó là, từ Đề án 25 về thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng tầm thành Nghị quyết số 19 của BCH Đảng bộ tỉnh và trở thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh, là yêu cầu, mệnh lệnh của đổi mới. Gần 5 năm qua, việc tinh giản, hợp nhất, giúp việc chung, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND hoặc HĐND, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố… đã rất quen thuộc với Quảng Ninh. Hiệu quả của thí điểm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tại Quảng Ninh đã được khẳng định bằng chính kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, về đời sống người dân, sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả của bộ máy từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, lòng tin của nhân dân được tăng lên…
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng ta, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, yêu cầu đổi mới của Đảng trong giai đoạn mới. Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện 6 mô hình thí điểm mới với những chỉ đạo rất cụ thể, giao quyền cho cấp ủy địa phương chủ động lựa chọn mô hình thí điểm trên cơ sở điều kiện thực tế sẽ tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Ngọc Lan