Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang có các buổi làm việc với 14 địa phương nhằm rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã triển khai sau nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Dù rất lạc quan về những kết quả đạt được trong hơn 2 năm qua, nhưng thẳng thắn nhìn nhận tất cả các địa phương, sở, ngành đều thấy rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua thấp hơn mục tiêu 11-12% đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh mẽ, khu vực dịch vụ mới đạt 41,2%, trong khi đó, mục tiêu của nhiệm kỳ là có cơ cấu dịch vụ chiếm 48-49%.
5 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã thu hút được dòng vốn rất lớn của các tập đoàn mạnh đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ và một diện mạo mới về hạ tầng du lịch của tỉnh đã được khẳng định. Những khách sạn 4 – 5 sao liên tục được đầu tư xây dựng, những khu vui chơi, giải trí, các tổ hợp dự án du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng ở trung tâm du lịch Hạ Long… đang thực sự tạo sức hút lớn với du khách trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, có một thực tế rất dễ nhìn thấy về chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch của tỉnh hiện nay, đó là chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu chuyển từ "lượng" sang "chất". Hạ tầng và sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch còn hạn chế, chưa đạt được các trình độ về ngoại ngữ, quản lý, phục vụ; công tác quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ còn lúng túng...
Làm gì để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, làm tăng giá trị gia tăng của khu vực du lịch, dịch vụ? Theo định hướng của tỉnh, trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tiếp tục tích cực cải cách hành chính, đẩy nhanh các thủ tục đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch cao cấp tại các địa bàn trọng điểm về du lịch, như: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái, các trung tâm di tích lịch sử tâm linh, trung tâm dịch vụ. Tiếp tục hoàn thiện Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn tạo điểm thu hút và quy tụ nguồn lực, sức sáng tạo, lan tỏa động lực mới cho tăng trưởng của tỉnh, đặc biệt đối với khu vực dịch vụ, du lịch.
Cùng với đó là đảm bảo tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Cảng hàng không Quảng Ninh hoàn thành trong quý II/2018, khởi công đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái để tăng cường năng lực lưu thông hàng hóa, năng lực cạnh tranh, trở thành trục kết nối giao thông chính của Asean và Trung Quốc, qua đó, thúc đẩy đột phá về du lịch và dịch vụ vận tải, logistic...
Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư chuỗi các trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ (nhất là Tập đoàn Vingroup) tại các đô thị, địa phương phát triển du lịch như Cẩm Phả, Móng Cái và các địa phương gắn với hình thành các chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn chỉnh và chương trình OCOP tại các địa phương, các khu du lịch trọng điểm. Tiếp tục nâng cao chất lượng nhằm khai thác hiệu quả các dịch vụ khác trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo...
Để đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020, trong 3 năm tới, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ phải tăng từ 7- 8%, tương đương 39.000 tỷ đồng. Đây là áp lực và thách thức rất lớn, cần quyết tâm rất cao của cả tỉnh và chiến lược, kế hoạch cụ thể thực hiện những năm tiếp theo.
Ngọc Lan