Áp lực giữ vững vị trí đứng đầu đối với các chỉ số cải cách hành chính (Par index), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang rất lớn đối với tỉnh Quảng Ninh trong năm 2018. Bên cạnh đó yêu cầu tiếp tục cải thiện các chỉ số khác như PAPI, SIPAS cũng đang rất cấp bách.
Năm 2017, các chỉ số: Par index, PCI của Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, chỉ số PAPI xếp 30/63 tỉnh, thành phố, chỉ số SIPAS đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất cao trong suốt thời gian qua của Quảng Ninh trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh và 14 huyện, địa phương, đồng thời liên thông đến mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã, phường, thị trấn.
Trên cơ sở kết quả các chỉ số cải cách hành chính năm 2017, UBND tỉnh đã có kế hoạch cụ thể chỉ đạo việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính và các chỉ số Par index, PAPI, SIPAS năm 2018; phê duyệt Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2018-2020”. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính 6 nội dung, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo yêu cầu 3 giảm: Giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư và nhân dân. Tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; rà soát, sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa tăng số thủ tục hành chính thực hiện đủ 4 bước “thẩm định, tiếp nhận, phê duyệt và trả kết quả trực tiếp tại Trung tâm”.
Tính đến ngày 15/9, số thủ tục hành chính của 21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh là 1.305/1.417 (đạt 92%) thủ tục hành chính (trong đó, thực hiện quy trình 4 bước 998/1.305 số thủ tục hành chính), cấp huyện thực hiện 305 thủ tục hành chính, cấp xã 99 thủ tục hành chính. Ứng dụng nhắn tin tự động thông báo kết quả giải quyết hồ sơ đến gửi đến người dân và thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Tổng đài giải đáp thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh đã đưa 327 điểm cầu trực tuyến đến cấp xã vào sử dụng.
Theo kết quả công khai tiến độ về giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, tính đến ngày 24/9/2018, tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết đúng hạn 99% số hồ sơ và đã trao đổi 4.513.241 văn bản qua mạng giữa 580 đơn vị.
Riêng giải quyết thủ tục hành chính đối với các hoạt động kinh tế, tỉnh Quảng Ninh có những chỉ đạo rất quyết liệt. Điển hình như, triển khai đề án “Mô hình thực hiện thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái” tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu. Xây dựng Đề án thí điểm mô hình “Một cửa một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng. Rà soát các thủ tục hành chính đối với các hãng tàu biển để giảm thiểu thấp nhất những vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính do Chính phủ tổ chức hồi đầu tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu các địa phương tham khảo kinh nghiệm của Quảng Ninh.
Và Quảng Ninh bằng cách làm quyết liệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các bước xử lý hồ sơ, thủ tục, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính nên quá trình giải quyết thủ tục hành chính được tăng cường sự công khai, minh bạch, hiệu quả. Đương nhiên để đạt được sự hài lòng thực sự của người dân, doanh nghiệp từ kết quả đo lường thông qua các chỉ số Par index, PAPI, SIPAS thì “3 giảm, 4 bước trong cải cách hành chính” cần phải làm quyết liệt hơn nữa.
Ngọc Lan